PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện phát biểu tại hội thảo - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ngày 13-9, tại TP Cần Thơ, Văn phòng Quốc hội tổ chức hội thảo Quy định pháp luật về hợp tác xã: thực trạng và kiến nghị sửa đổi nhằm lấy ý kiến về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) sẽ trình tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV tới đây.
Phát biểu tại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện - Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng qua dự thảo cho thấy các nhà soạn thảo ít nhiều đã cảm nhận được và có nỗ lực giải quyết những vấn đề vướng mắc của Luật hợp tác xã năm 2012.
Tuy nhiên, ông cũng nêu quan điểm sửa luật lần này không chỉ đáp ứng yêu cầu người tham gia vào hợp tác xã "sống được" mà còn để họ có thể có hoài bão cao hơn như làm giàu, thậm chí giàu như những doanh nhân, khi chỉ cần thực hiện các công việc trong khuôn khổ hợp tác xã.
"Mơ ước đó là chính đáng và với tư cách là nhà hoạch định chính sách, người làm luật, chúng ta phải làm thế nào để xây dựng luật thỏa mãn mơ ước đó của các thành viên hợp tác xã", ông Điện đề xuất.
Đại diện Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang nêu thực trạng các hợp tác xã hiện nay là những hợp tác xã "5 không": hội đồng quản trị không có trình độ quản trị hợp tác xã; không có trụ sở làm việc, hội họp; không có tài sản chung; không được tiếp cận các chính sách, vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh; không tin tưởng lẫn nhau.
Vị này đề xuất trong sửa đổi luật tới đây điều đầu tiên là cần phải quy định trình độ giám đốc hợp tác xã, bởi có những nông dân sản xuất giỏi nhưng khi làm giám đốc, điều hành hợp tác xã thì điều hành không được. Muốn vậy phải có những lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn, trung hạn cho họ.
Ngoài ra, trong luật sửa đổi cũng cần cho phép giám đốc hợp tác xã có một số quyền nhất định để tham gia ký kết bởi "cái gì cũng họp biểu quyết thì cơ hội trôi qua mất".
PGS.TS Nguyễn Phú Sơn - Trường đại học Cần Thơ - cũng cho rằng cần chuẩn hóa đội ngũ lãnh đạo hợp tác xã. Muốn vậy cần có chiến lược lâu dài, có thể đưa sinh viên đào tạo theo hệ có địa chỉ để 4-5 năm sau không phải than phiền về năng lực lãnh đạo hợp tác xã như hiện nay. "Có chính sách tốt, có tài chính tốt mà không có con người tốt thì khó thực hiện được", ông Sơn nói.
Luật hợp tác xã năm 2012 bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết Luật hợp tác xã năm 2012 đã tạo các khung khổ pháp lý cơ bản, vững chắc và có tác động tích cực tới sự phát triển bền vững của kinh tế tập thể.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện cho thấy Luật hợp tác xã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như các quy định về việc hợp tác xã gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường còn đang là rào cản cho sự phát triển của hợp tác xã; quy định về cơ cấu, tổ chức, quản lý hợp tác xã chưa thực sự phù hợp; chưa làm rõ nguyên tắc minh bạch thông tin đối với thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác; chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa hiệu quả, thiếu trọng tâm...
Mục tiêu của lần sửa đổi này là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý về các loại hình kinh tế tập thể, tổ chức đại diện; quy định về hợp tác xã, phát triển thành viên, về nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; quy định về phát triển doanh nghiệp trong tổ chức kinh tế tập thể.
Bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý về kiểm toán, các quy định nhằm nâng cao tính minh bạch hơn trong quản lý, điều hành; nâng cao hiệu quả, chất lượng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ…