Sửa nghị định để quản lý nhập khẩu gạo

2 năm trước 120
Sửa nghị định để quản lý nhập khẩu gạo - Ảnh 1.

Xuất khẩu gạo qua cảng Mỹ Thới (An Giang) - Ảnh: CHÍ QUỐC

Theo các doanh nghiệp, việc xuất - nhập khẩu gạo là bình thường trong thương mại ngày nay. Vì thế, việc thay đổi quy định nên tạo ra hành lang pháp lý để doanh nghiệp hoạt động cũng như đảm bảo các mục tiêu của Nhà nước hơn là cấm nhập.

Nhiều quy định đã lỗi thời

Theo Bộ Công Thương, là nước nông nghiệp chủ yếu sản xuất lúa gạo, hằng năm Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia mà còn dành 6 - 6,5 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Song những năm gần đây, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ nhu cầu trong nước.

Dẫn chứng năm 2021 theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam là 999.750 tấn. 

Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo). Chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm, gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu...

Bộ Công Thương cho rằng việc nhập khẩu gạo dù để phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng với lượng tăng mạnh như đã diễn ra trong năm 2021, cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

Cụ thể là làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh... tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.

Do vậy, bộ này nhấn mạnh việc cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Trên cơ sở đó, tại dự thảo sửa đổi nghị định 107, Bộ Công Thương đã bổ sung quy định về quản lý nhập khẩu gạo. 

Cụ thể, khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thống kê, cập nhật gửi Bộ Công Thương theo định kỳ tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu. 

Trong trường hợp lượng gạo nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Tổng cục Hải quan có trách nhiệm báo cáo chi tiết Bộ Công Thương về số lượng gạo nhập khẩu theo các tiêu chí: số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp...

Doanh nghiệp nói không lo về gạo nhập

Theo ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), VN nhập khẩu 1 triệu tấn gạo, đó là gạo 100% tấm, cấp thấp, có mức giá rẻ hơn dùng cho chăn nuôi, trong khi gạo 100% tấm ở VN có giá cao hơn do chất lượng hơn.

"Gạo tấm VN có giá bình quân 400 USD/tấn nên không thể dùng cho chăn nuôi được, trong khi gạo 100% tấm từ Ấn Độ có giá 300 - 320 USD/tấn thì doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có thể mua để sản xuất", ông Bình nói.

Ông Bình cũng giải thích thêm, không nên e ngại khi "cường quốc xuất khẩu gạo mà vẫn nhập khẩu gạo" vì gạo nhập là cấp thấp phục vụ chăn nuôi, nấu bia, làm bún... và quy định VN được nhập khẩu, đóng thuế nhập đến 40%. 

"Việc nhập khẩu gạo có thể làm cạnh tranh với sản phẩm trong nước, nhưng theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không thể cấm cửa. Theo tôi, nghị định 107 nếu có sửa đổi, cần thắt chặt thêm ở giấy phép xuất khẩu gạo, rồi quy định thùng nguyên liệu, và xuất khẩu gạo không đưa ra giá thấp để ảnh hưởng tình hình chung", ông Bình đề xuất.

Đại diện một doanh nghiệp gạo ở Đồng Tháp cho rằng VN dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo chất lượng cao xuất khẩu và nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước là chuyện bình thường. Nhưng khi số lượng ngày một nhiều thì cần có sự kiểm soát.

"Nhập khẩu nhưng không được thống kê, kiểm soát quản lý ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đời sống của người nông dân. Bà con trồng lúa gạo, nhưng nhập khẩu gạo tăng lên ảnh hưởng tâm lý, rồi lâu dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất chung của ngành trồng lúa. 

Trước đây có thể chưa cần, nhưng hiện nay cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để điều tiết, điều hành nhập khẩu gạo phù hợp cho mục tiêu sản xuất, xuất khẩu bền vững", vị đại diện này phân tích.

Ông Huỳnh Văn Thòn - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời - chia sẻ câu chuyện khi gạo được nhập về VN tức là đã thấy rõ câu chuyện chênh lệch chất lượng và giá cả gạo của hai nước. 

Còn việc nhập chủng loại gạo nào là do đáp ứng nhu cầu và giá cả thị trường thấp hơn, lợi hơn của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp nhập khẩu gạo về VN mình nên tôn trọng vì đó là nhu cầu của họ. Nhưng cần có quản lý vì gạo nhập từ Ấn Độ về giá thấp hơn trong nước, có doanh nghiệp đánh tráo, trà trộn xong xuất sang thị trường khác, gây nhiễu thị trường. 

Vì thế sửa đổi nghị định 107 là cần thiết trong quản lý, để thông tin cho minh bạch", ông Thòn cho hay.

Việt Nam nhập gần 1 triệu tấn gạo, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi nghị định 107 để kiểm soátViệt Nam nhập gần 1 triệu tấn gạo, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi nghị định 107 để kiểm soát

TTO - Việc nhập khẩu gạo có thể làm cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Nguồn bài viết