Sửa Luật giá: Thủ tướng sẽ chỉ quyết định giá với rất ít hàng hóa, như giá đất?

2 năm trước 146
 Thủ tướng sẽ chỉ quyết định giá với rất ít hàng hóa, như giá đất? - Ảnh 1.

Xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá theo thị trường - Ảnh: N.PHƯỢNG

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến về dự thảo Luật giá sửa đổi.

Theo tờ trình, quá trình thực hiện Luật giá năm 2012 đến nay, công tác điều hành, quản lý giá đã góp phần kiểm soát lạm phát, nhưng đã phát sinh một số quy định có cách hiểu khác nhau, không còn phù hợp thực tiễn gây khó khăn trong thực hiện.

Do đó, dự thảo Luật giá sửa đổi gồm 7 chương, 76 điều, quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá, ban hành các cơ chế, chính sách chung, phân công, phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm các bộ ngành địa phương. Chính phủ và Thủ tướng sẽ chỉ quyết định giá đối với rất ít hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng (như đất đai) và giao thẩm quyền định giá cụ thể cho các bộ.

Thẩm quyền và trách nhiệm định giá được quy định bám sát định hướng chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp trong quản lý nhà nước về giá nói chung cũng như định giá nhà nước nói riêng.

Theo đó, sẽ bỏ cấp định giá do Chính phủ thực hiện, Thủ tướng chỉ quyết định đối với khung giá đất. Trường hợp Luật đất đai sửa đổi bỏ các quy định về khung giá đất thì tại Luật giá sẽ được cập nhật tương ứng để đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Về bình ổn giá, dự thảo nêu đây là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả, nên sẽ quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá.

Dự thảo cũng nêu ra cơ chế để xử lý tình huống trong các trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp, cho phép Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục để áp dụng trong thời hạn nhất định.

Các biện pháp về bình ổn giá cũng được điều chỉnh như đăng ký giá gộp vào kê khai giá, việc kiểm tra yếu tố hình thành giá là một bước trong thực hiện bình ổn giá, bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn, đặc biệt với quỹ bình ổn giá xăng dầu. Có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Khi hàng hóa, dịch vụ có biến động tăng quá cao hoặc giảm quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, các cơ quan sẽ triển khai bình ổn giá trên cơ sở kiểm tra yếu tố hình thành giá, lựa chọn biện pháp bình ổn phù hợp.

Về kê khai giá, dự thảo cho phép đơn vị tổ chức sản xuất, kinh doanh thực hiện sau khi quyết định giá nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn triển khai, thay cho việc kê khai phải được thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh quyết định giá hàng hóa, dịch vụ.

Một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác cũng sẽ phải thực hiện kê khai giá do Chính phủ quy định trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ.

Kềm giá xăng dầu ra sao khi quỹ bình ổn đang cạn dần?Kềm giá xăng dầu ra sao khi quỹ bình ổn đang cạn dần?

TTO - Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21-2 đứng trước áp lực tăng giá mạnh và có thể thiết lập mức kỷ lục khi quỹ bình ổn đang cạn dần.

Nguồn bài viết