Sức ép từ giá xăng dầu lên nhiều loại hàng hóa, Phó thủ tướng họp khẩn bàn giải pháp

2 năm trước 224
Sức ép từ giá xăng dầu lên nhiều loại hàng hóa, Phó thủ tướng họp khẩn bàn giải pháp - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái, trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá - Ảnh: VGP

Chiều 13-6, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, đã chủ trì họp với các bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục…).

Nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ lạm phát tăng cao là hiện hữu, nên cần tập trung để bảo đảm cung - cầu, dịch vụ thiết yếu, điều hành chính sách tiền tệ để đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống người dân, đảm bảo quản lý giá, lạm phát.

Điều này tạo áp lực lạm phát rất cao, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu sức ép của giá xăng dầu tiếp tục gia tăng gây tác động tới giá một số dịch vụ, hàng hóa khác như: giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải… 

Vì vậy, công tác điều hành giá sẽ rất khó khăn, nên các bộ ngành liên quan cần phân tích, đánh giá kỹ tình hình để có giải pháp.

Theo đó, ông Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu là tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022, tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

"Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta phải hết sức thận trọng. Nếu chúng ta lơ là để lạm phát kỳ vọng tăng cao sẽ rất khó kiểm soát", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Cụ thể, ông Khái yêu cầu theo dõi sát tình hình lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng, vật tư chiến lược và các biện pháp ứng phó của các nước trên thế giới. 

Chủ động phân tích, dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản ứng phó để có biện pháp điều hành phù hợp. Hoàn thiện các dự thảo quy định pháp luật về giá, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá.

Đối với quản lý giá một số mặt hàng thiết yếu "sát sườn" với đời sống người dân, ông Khái đề nghị phải theo dõi sát diễn biến thị trường, "phải dự báo sớm hơn" để có biện pháp điều hành linh hoạt, đảm bảo cung cầu.

Với những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, cần phải hết sức cân nhắc, đánh giá tác động chi tiết, báo cáo kịp thời với cấp có thẩm quyền, thì mới được tăng giá với phương án cụ thể. Với mặt hàng doanh nghiệp tự định giá, nếu bất thường phải kiểm tra để có chấn chỉnh kịp thời.

Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải điều hành hết sức linh hoạt, sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết, không để bị động. Kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Gắn với đó là việc quản lý chặt giá cước vận tải, đảm bảo mức tăng phù hợp; không để nguồn cung vật liệu xây dựng bị đứt gãy, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng găm hàng, tăng giá, triển khai các biện pháp để công bố giá sớm, "công bố hằng tháng" để hỗ trợ doanh nghiệp…

Với công tác quản lý giá vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí, sách giáo khoa…, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị đảm bảo an ninh lương thực, tính toán thận trọng lộ trình tăng học phí, nhất là đối với những cơ sở giáo dục công lập.

Nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 5 tháng đầu năm, áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng đã gây sức ép trong nước.

Tuy vậy, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, CPI tháng 5-2022 tăng 0,38% so với tháng trước, bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ 2021. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1,1% so với cùng kỳ 2021.

Về nguyên nhân, CPI tăng chủ yếu là do ảnh hưởng từ giá xăng dầu, LPG tăng theo giá thế giới, giá vật liệu xây dựng tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu ăn uống, đi lại, du lịch hồi phục khi dịch COVID-19 được kiểm soát…

 Xăng RON95 tăng lên mốc 32.370 đồng/lítGiá xăng tiếp tục lập đỉnh: Xăng RON95 tăng lên mốc 32.370 đồng/lít

TTO - Từ 15h ngày 13-6, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng, đặc biệt tăng mạnh ở mặt hàng dầu.

Nguồn bài viết