Tuyến buýt điện D4 hoạt động chính thức từ ngày 9-3 tại TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trước đó, ngày 22-7, Ban Giao thông đã có văn bản báo với Sở Giao thông vận tải chọn xe buýt điện là phương án tốt nhất để phục vụ chiến lược xanh của TP. Ban này cũng đã nêu nhiều ưu điểm của loại phương tiện trên.
Cụ thể, xe buýt điện thân thiện với môi trường vận hành không tiếng ồn, thải ra khói bụi gây ô nhiễm. Đồng thời, loại phương tiện này được vận hành an toàn, ít nguy cơ cháy nổ, bảo dưỡng tiết kiệm hơn so với sử dụng động cơ đốt trong...
Theo Sở Giao thông vận tải, từ những báo cáo, đánh giá của các đơn vị chuyên môn, chuyên gia đầu ngành, sở cho rằng xu thế chuyển đổi từ xe buýt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe buýt điện hoặc xe sử dụng nhiên liệu sạch là xu thế tất yếu. Việc này phù hợp với sự phát triển về công nghệ trên thế giới và sự cạn kiệt về nhiên liệu hóa thạch trong tương lai.
Việc sử dụng buýt điện cho tuyến xe buýt nhanh cũng tạo điểm nhấn khởi đầu cho sự phát triển hiện đại hóa và bền vững đối với hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP.
Tuy nhiên, hiện nay, buýt điện vẫn còn một số hạn chế cần giải quyết, như: thông số kỹ thuật thiết kế xe chưa thống nhất để sản xuất đồng bộ, chi phí sản xuất cao, hạ tầng trạm sạc, nơi bảo trì phương tiện còn ít…
Do đó, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TP chỉ đạo Ban Giao thông phối hợp cùng các đơn vị thực hiện dự án nghiên cứu, rà soát các thông số kỹ thuật thiết kế xe cho phù hợp với thực tiễn.
Giao cho Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban Giao thông khẩn trương xây dựng định mức, đơn giá để lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng theo đúng quy định.
Trường hợp đến thời điểm triển khai nhưng chưa hoàn thành định mức và đơn giá thì kiến nghị UBND TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ để đề xuất các cơ chế đặc thù.
Trường hợp lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách xe buýt điện gặp khó khăn (không có doanh nghiệp nào đấu thầu…) thì đề xuất các giải pháp thay thế phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác phù hợp với thực tế và phát huy hiệu quả đầu tư.