Sống ở nơi có mùi hôi bao lâu thì bị ảnh hưởng sức khỏe?

3 năm trước 219
Sống ở nơi có mùi hôi bao lâu thì bị ảnh hưởng sức khỏe? - Ảnh 1.

Công nhân vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) đoạn gần cầu Bùi Hữu Nghĩa - Ảnh: XUÂN MAI

Bạn đọc Nguyễn Võ Thanh (Bình Chánh, TP.HCM) thắc mắc: "Tôi đọc báo Tuổi Trẻ biết được có 3 mức độ mà mùi hôi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe là tối cấp, cấp tính và mãn tính. Các khoảng thời gian để xảy ra 3 mức độ trên là bao nhiêu? Mức độ 1 bị ảnh hưởng trong vòng bao nhiêu tháng, tương tự ở mức 2 và 3?

TS.BS NGUYỄN NGỌC MINH (giảng viên bộ môn tai - mũi - họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM) trả lời:

Theo bảng đo chỉ số chất lượng không khí (AQI), chất lượng không khí được chia thành 6 mức. Tương ứng mỗi mức sẽ thể hiện ý nghĩa sức khỏe và khuyến cáo phòng bệnh.

Mức 1: Chỉ số AQI từ 0-50 (tốt cho sức khỏe). Mức 2: AQI từ 50-100 (vừa phải). Mức 3: AQI từ 100-150 (không tốt cho các nhóm nhạy cảm). Mức 4: AQI từ 150-200 (có hại cho sức khỏe).

Mức 5: AQI từ 200-300 (rất nguy hại cho sức khỏe) và mức 6: AQI từ 300-500 (nguy hiểm), cảnh báo mọi người có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn về sức khỏe.

Riêng về mùi hôi được chia thành 3 cấp dựa vào lượng thời gian tiếp xúc và mức độ chịu đựng của cơ thể:

- Mức độ tối cấp: hít mùi hôi thối trong thời gian ngắn nhưng có biểu hiện hoa mắt, đau đầu, nôn ói, khó thở, suyễn, suy hô hấp... thường gặp ở đối tượng dễ mẫn cảm như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người lần đầu tiên ngửi mùi hôi...

Mức độ này xảy ra ngay khi hoặc vài giờ sau tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Người bị bệnh sẽ có nhiều triệu chứng toàn thân như mô tả và nặng nề có thể nguy hiểm đến tính mạng.

- Mức độ cấp tính: hít mùi hôi thối trong thời gian tương đối dài, gây viêm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới gây ho, khạc đờm nhớt, sổ mũi... thường gặp ở những hộ dân buộc phải sống chung trong không khí ô nhiễm.

Mức độ này xảy ra từ vài ngày đến 3 hay 4 tuần sau khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm với triệu chứng nhẹ hơn so với cấp độ tối cấp. Bệnh nhân vẫn có thể bị nguy hiểm nếu tiếp tục tiếp xúc với chất gây ô nhiễm.

- Mức độ mãn tính: hít mùi hôi thối trong thời gian dài, gây ra các bệnh mãn tính như xơ phổi, giãn phế quản, viêm phế quản, nám phổi, lao phổi, thậm chí bội nhiễm apxe phổi... thường gặp ở công nhân vệ sinh cầu cống...

Triệu chứng kéo dài trên 3 tháng với triệu chứng hô hấp và những triệu chứng toàn thân như da, tóc, móng và một số cơ quan khác như tai mũi họng, mắt, thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, xương khớp…

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Yêu cầu bãi rác Đa Phước tăng cường giải pháp giảm mùi hôiYêu cầu bãi rác Đa Phước tăng cường giải pháp giảm mùi hôi

TTO - Trả lời báo chí trong cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm chiều 23-7, Sở Tài Nguyên và môi trường TP.HCM cho biết đã yêu cầu bãi rác Đa Phước tăng cường các biện pháp khống chế mùi hôi gây ảnh hưởng dân cư khu Nam thành phố.

Nguồn bài viết