"Tôi vào bệnh viện trong tâm trạng cô đơn cùng cực, chăm sóc tôi là những người hoàn toàn xa lạ" - Ảnh do nhân vật cung cấp
Khi đó, tôi là bệnh nhân COVID-19 trở nặng, may mắn được chính người thầy của mình là PGS.TS Hồ Thanh Phong - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng - phát hiện, kết hợp với các y - bác sĩ đưa tôi nhập viện.
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là tầng thứ 4, tức là kế cận tầng 5 cuối cùng của hành trình sinh - tử, nơi chuyên điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nặng, hoặc hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu).
Tôi nhập viện trong một buổi chiều mưa tầm tã, không gian đặc quánh một màu ảm đạm. Cả khu trọ nhà nào cũng đóng cửa im lìm. Tôi lên xe với chiếc ba lô nhỏ cùng vài chiếc áo thu gấp vội. Sau này tôi mới biết, hôm đó vừa bước lên xe tôi đã gần như lả người vì thiếu oxy, chỉ số SpO2 lúc đó xuống tới con số 75, phải thở oxy ngay.
Thầy Phong nhắn với cô bạn - người đã kết nối thông báo cho thầy về tình trạng trở nặng của tôi - rằng chỉ cần trễ một chút thôi, tôi đã thuộc về một thế giới khác.
Vào bệnh viện trong tâm trạng cô đơn và lo lắng đến cùng cực vì thân ở trọ một mình, nhưng tôi tự nhủ mình sẽ không báo cho bất cứ người thân nào trong gia đình hay, vì sợ họ sẽ lo lắng. Mà nếu có lo quá thì cũng có biết làm gì đâu khi khắp nơi chăng mắc dây giăng, nhà cách nhà, phường cách phường, quận chỉ lòng vòng trong quận.
Đón tiếp tôi, chăm sóc tôi lúc này chỉ toàn là những con người xa lạ, giấu sau những lớp áo bảo hộ bít bùng không thể nhìn rõ mặt, chỉ thấy thấp thoáng ánh mắt như cảm thương, thấu hiểu và ân cần.
Tôi được các y bác sĩ thăm khám, chích thuốc mỗi ngày 5 lần 7 lượt. Lòng tôi trĩu nặng ơn nhưng chẳng tiện hỏi han, vì trong bối cảnh ấy ai cũng gấp rút, bận rộn. Ai cũng gần như quá tải với công việc thăm khám và chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày.
Chuyến trở về thăm nhà đầu tiên của tôi sau khi thoát khỏi tử thần
Những đêm đầu nhập viện, tôi đau, mệt và không tài nào ngủ được. Đêm đêm, tôi nghe và thấy tiếng người đẩy xe chở bình oxy thay liên tục cho căn phòng có 6 bệnh nhân, trong đó có tôi. Ai cũng bị COVID-19 rất nặng.
Bình quân mỗi ngày đêm một người như tôi xài hết gần 3 bình oxy to đùng cao hơn đầu người mà tôi nghĩ, bản thân mình có khỏe mạnh cũng khó vác nổi.
Vậy mà các nhân viên y tế cứ vận chuyển thoăn thoắt, thao tác chuyên nghiệp như không biết mệt mỏi, cả đêm đi tuần để xem bệnh nhân nào bị hết oxy thì thay.
Có đêm, giường bên cạnh bệnh nhân đau nặng khó tính, hung tợn, buông xuôi, không nghe lời y bác sĩ. Vậy là những người mặc áo xanh trùm bảo hộ bít bùng lại kiêm thêm công việc giống như bảo mẫu: năn nỉ, thuyết phục, tìm cách giữ lại từng hơi thở khó nhọc cho họ.
19 ngày trong bệnh viện, tôi đã được rất nhiều y bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thăm khám đều đặn, chăm sóc đến từng miếng ăn, giấc ngủ nhưng cho đến giờ phút này, tôi cũng không thể nào biết hay nhớ được hết tên những người đã trực tiếp chăm sóc cũng như cứu mạng của tôi.
Tôi có hỏi những người anh, người chị về sự cảm ơn và tri ân. Nhưng mọi người bảo tôi, cách để trả ơn các chiến binh tốt nhất là phải tập sống tốt hơn ngay từ bây giờ. Bởi không chỉ riêng tôi mà trong đợt dịch cao điểm vừa qua, hàng trăm ngàn người Việt Nam khác đã được các thiên thần áo xanh không rõ mặt, rõ tên cứu giúp.
Họ đã gieo những hạt lành và trách nhiệm của những bệnh nhân COVID-19 có cơ hội được cứu như tôi, là hãy ươm và nhân lên những hạt thiện lương đó.
Cùng Tuổi Trẻ gửi lời tri ân
Năm 2021, hàng chục nghìn bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa các trường đại học, chiến sĩ quân y… từ mọi miền đã tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó có TP.HCM, để cùng các địa phương chống dịch COVID-19. Trong đồ bảo hộ bít bùng, khẩu trang kín mít, nhiều bệnh nhân không biết mặt người ngày đêm điều trị, chăm sóc mình.
Rất nhiều cảm xúc, lưu luyến, nhiều lời cảm ơn chưa kịp nói khi người bệnh xuất viện, khi các bác sĩ, điều dưỡng... rời đi lúc đại dịch bớt căng thẳng.
Tuổi Trẻ Online mời bạn gửi lời tri ân những thiên thần áo trắng, chia sẻ các kỷ niệm, cảm xúc, kỷ vật còn lưu giữ trong những ngày bạn hoặc người thân điều trị COVID-19. Bài viết, hình ảnh xin gửi về: [email protected].
Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.