Sự chủ động, linh hoạt của các địa phương
Trong năm 2021, do tác động của dịch COVID-19, hình thức tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã được ngành BHXH Việt Nam tổ chức linh hoạt hơn. Tại đô thị lớn như Hà Nội, ngay từ đầu năm 2021, BHXH thành phố và Bưu điện thành phố đã ký kết kế hoạch liên ngành, thành lập Ban chỉ đạo các cấp từ thành phố xuống cấp huyện. Trong đó, đáng chú ý là lựa chọn các xã, phường đủ điều kiện về phát triển kinh tế, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện làm xã, phường điểm.
Hai đơn vị đã lên chương trình ra quân tổng thể mỗi tháng ra quân một lần trên địa bàn để tuyên truyền trực tiếp và tổ chức hội nghị tuyên truyền. Cùng với phát động tuyên truyền, hình thức tuyên truyền theo hình thức 1/1 cũng được Bưu điện triển khai.
Bà Trần Minh Nguyệt, nhân viên Phòng Kế hoạch kinh doanh (Bưu điện Hà Nội) cho biết: Trung bình mỗi ngày, chúng tôi gọi cho từ 50-70 khách hàng. Tỷ lệ khách hàng sau khi nghe tư vấn tham gia BHXH tự nguyện đạt khoảng 30%.
Trong khi đó, tại khu vực Tây Nguyên, các hình thức tuyên truyền đa dạng theo nhóm nhỏ phù hợp với thực tế từng ngành nghề, địa bàn cũng đã được vận dung triển khai linh hoạt. Bà Bạc Thị Kim Phượng (thôn 1, xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột) sau khi nghe tuyên truyền về BHXH tự nguyện đã cùng chồng tham gia BHXH tự nguyện để có tiền tích lũy nhận lương hưu để chăm lo cuộc sống và được cấp thẻ BHYT miễn phí (trong suốt thời gian nhận lương hưu) để chăm sóc sức khỏe khi về già.
"Trước đó, tôi không biết đến BHXH tự nguyện mà chỉ biết đến bảo hiểm nhân thọ, nhưng được nhân viên BHXH và bưu điện tư vấn về lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện nên quyết định tham gia. Khi còn trẻ thấy những người làm nhà nước già có lương hưu, tôi cũng mong muốn được đến ngày nhận. Nếu mình có lương hưu thì mình sẽ chủ động hơn trong một số chi tiêu, không phải xin con nữa, đỡ vất vả cho các con. Rồi cái tuổi già, bệnh tật không rủ cũng đến, có tấm thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe, đỡ gánh nặng cho con cái nhiều. Nếu tôi biết sớm hơn về chính sách BHXH tự nguyện thì sẽ tham gia sớm hơn", bà Bạc Thị Kim Phượng chia sẻ.
Từng bước mở rộng lưới an sinh
Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn, tạo điều kiện cho lao động phi chính thức được tham gia vào lưới an sinh để khi hết tuổi lao động có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ BHYT miễn phí (trong suốt thời gian nhận lương hưu) để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.
Năm 2017 - trước thời điểm có Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28), số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 200 nghìn người. Từ khi Nghị quyết số 28 được ban hành số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng toàn diện bởi dịch COVID-19. Cụ thể, năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 28- toàn quốc đạt trên 277.000 người tham gia, tăng hơn 52.900 người (23,6%) so với năm 2017. Năm 2019, con số này đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người (107,1%) so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Và đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 Nghị quyết số 28 đặt ra.
Từ những kết quả tích cực trên có thể thấy, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước cũng như sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành BHXH Việt Nam, trong đó công tác truyền thông chính sách BHXH giữ một vai trò rất quan trọng, đã góp phần đưa chính sách BHXH tự nguyện thực sự đi vào cuộc sống.
Xác định công tác truyền thông là “chìa khoá” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28 và Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới”.
Theo đó, bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện công tác truyền thông BHXH, các hoạt động truyền thông của ngành BHXH Việt Nam được triển khai chuyên nghiệp, bài bản, linh hoạt, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Về nội dung truyền thông đã được đổi mới rõ nét khi chuyển từ nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện sang nội dung truyền thông ngắn gọn, xúc tích về quyền, lợi ích và giá trị nhân văn của chính sách với các thông điệp truyền thông gần gũi, dễ nhớ;…. Về hình thức, phương thức truyền thông đã vận dụng linh hoạt, đa dạng theo từng thời điểm, bối cảnh dịch như các hình thức truyền thông qua báo chí; truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội; truyền thông trực tiếp qua các hội nghị tư vấn, các hoạt động truyền thông nhóm nhỏ,…
Song song đó, ngành đã chủ động trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường truyền thông trực tuyến phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại từng địa phương và xu thế truyền thông hiện đại. Theo đó, BHXH đã bắt đầu sản xuất và phát hành các Infographic, Motion graphics và Video lan truyền để truyền thông về quyền lợi, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT, lan tỏa các thông điệp về tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Đây được coi là một dấu ấn đổi mới nổi bật trong công tác sản xuất, phát hành sản phẩm truyền thông của ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác truyền thông theo tinh thần Nghị quyết số 28, cũng như xu thế truyền thông mới trong thời đại số. Đặc biệt, thời gian này, việc triển khai hình thức truyền thông trên mạng xã hội với các chương trình livestream tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình của ngành được phát huy tối đa và hiệu quả trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động phức tạp trên toàn quốc, các hoạt động truyền thông trực tiếp phải hạn chế, giảm thiểu.
Tổng kết của ngành BHXH Việt Nam năm 2021 cho thấy, điểm sáng trong công tác mở rộng độ bao phủ BHXH là số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, đã có hơn 1,4 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).
Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng BHXH tự nguyện trong điều kiện khó khăn chung, một lần nữa khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực cao của toàn ngành BHXH Việt Nam. Trong đó là sự tích cực, chủ động, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT phù hợp với các địa bàn, khu vực tương ứng với từng cấp độ dịch COVID-19; là những nỗ lực trong đổi mới nội dung, hình thức truyền thông vận động người tham gia BHXH, BHYT, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch COVID-19./.