Cây xăng Ngọc Đến tại số 140 - 142 Nguyễn Xí (Bình Thạnh) treo biển "hết xăng, còn dầu" phía trước trụ bơm xăng ngày 5-11 - Ảnh: NHẬT XUÂN
Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ cộng thêm các chi phí phát sinh cho doanh nghiệp từ kỳ điều chỉnh tới.
Vẫn khổ khi mua xăng
Khảo sát ngày 5-11, nhiều cây xăng tại TP.HCM tiếp tục treo biển "hết xăng, còn dầu", hoặc chỉ bán một trụ trong nhiều trụ xăng; hạn chế lượng mua xăng trên mỗi lần mua...
Cây xăng Ngọc Đến (140 - 142 Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh) treo biển "hết xăng, còn dầu", cho biết vừa hết hàng.
Cây xăng Comeco trên đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) dùng lưới sắt tạo thành lối đi cho khách đổ từng người một và chỉ bán một trụ bơm xăng. Nhân viên cho biết hiện chỉ mở một trụ bơm vì nếu mở ba trụ xăng sẽ không đủ bán.
Tương tự tại cửa hàng xăng dầu Bình Lợi trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), trạm xăng này chỉ mở bán ba trong chín trụ bơm, mỗi lần đổ xăng cho khách nhiều nhất 50.000 đồng/lần với xe máy và 500.000 đồng/lần với ô tô.
Tình trạng cây xăng chỉ bán 30.000 - 50.000 đồng mỗi lần hoặc tạm ngưng bán hàng vẫn còn tại một số cây xăng ở TP Thủ Đức và quận 12.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Báu - giám đốc một hệ thống bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM - cho biết hiện còn nhiều cây xăng đóng cửa nên người dân đến đổ tại các cây xăng đang mở khá đông, nếu bán "thả ga" sẽ nhanh chóng hết hàng.
Hiện tại, các cây xăng của doanh nghiệp này chỉ bán cầm chừng theo định mức 30.000 - 50.000 đồng/lần với xe máy và 500.000 đồng/lần đối với ô tô để kéo dài thời gian cho đến khi xe bồn nhập hàng về.
Liên quan đến chiết khấu cho các đại lý bán lẻ, ông Báu cho biết hiện Petrolimex Sài Gòn cho mức chiết khấu là 299 đồng/lít, cao hơn các thời điểm trước nhưng vẫn không đủ chi phí kinh doanh cho các cây xăng.
Do đó, ông Báu cho rằng vấn đề quan trọng là phải kịp thời điều chỉnh các chi phí, phụ phí để doanh nghiệp đầu mối đảm bảo lợi nhuận và đảm bảo mức chiết khấu hợp lý cho hệ thống bán lẻ.
"Về dài hạn, theo tôi, phải sửa nghị định 83, 95 theo hướng cần quy định mức chiết khấu cứng cho các cây xăng là 7% trên giá cơ sở, 5% là điểm hòa vốn, còn doanh nghiệp bán lẻ sẽ hưởng được lợi nhuận ở mức 2%, như vậy các doanh nghiệp sẽ luôn luôn nhập hàng, đảm bảo cung ứng", ông Báu nói.
Sẽ cập nhật chi phí phát sinh cho doanh nghiệp
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 5-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã được đề nghị giải trình về vấn đề xăng dầu.
Trước tình trạng đứt gãy cục bộ tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, khu đông dân cư, ông Diên khẳng định Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành chức năng "đang làm tốt hơn" công tác phối hợp.
Theo ông Diên, chiều 4-11, Bộ Tài chính đã dự kiến điều chỉnh phương án chi phí và sau đó Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận.
Vì vậy dự kiến kỳ điều hành tới sẽ cập nhật chi phí phát sinh trong giá bán, tháo gỡ tương đối tốt cho doanh nghiệp. Cộng thêm chỉ đạo của ngân hàng trong tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn, bão lãnh thanh toán, tham mưu Chính phủ giải quyết dứt điểm những bất cập...
Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng tình hình xăng dầu hỗn loạn là do những cơ chế bất cập trong điều hành, đặc biệt là nghị định 95 quy định giá xăng dầu được xác định trên cơ sở giá bình quân 10 ngày trước là không phù hợp.
Ông Diên cho biết thị trường xăng dầu thế giới năm qua có nhiều "dị biệt", nên các quy định điều chỉnh có những bất cập. "Chính phủ cũng đã giao chúng tôi nghiên cứu sửa đổi nghị định 95. Do đó tới đây chúng tôi sẽ cố gắng sửa đổi cho phù hợp, nhưng cũng khó sát với tình hình", ông Diên bày tỏ.