Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải - Ảnh: VIỆT DŨNG
Thông tin về vấn đề lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay trong bối cảnh dịch phức tạp nên nhiều địa phương áp dụng các biện pháp chống dịch, cách hiểu khác nhau nên gây khó khăn cho người dân vùng dịch, cho đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh.
Do đó, Bộ Công thương đã có văn bản gửi các bộ ngành liên quan để có biện pháp tháo gỡ, nhưng chưa khắc phục hoàn toàn việc này, nên đã có văn bản gửi Chính phủ đề xuất tất cả hàng hóa đều được vận chuyển lưu thông và chỉ trừ hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh.
Sau đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có văn bản chỉ đạo và việc lưu thông hàng hóa cơ bản được giải tỏa, không phải phân biệt hàng hóa nào là thiết yếu hay không thiết yếu.
"Tuy vậy, vẫn còn hiện tượng tại một số địa phương, hàng hóa khi lưu thông, lái xe, phụ xe, phương tiện giao thông vận tải vẫn gặp khó khăn nên mong muốn và thiết tha đề nghị, thực hiện mục tiêu chính là chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép, thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo sản xuất kinh doanh được thông suốt" - thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá.
Ông Nguyễn Duy Lâm, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, cũng cho biết bộ này đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa. Các giải pháp tập trung như không tiến hành kiểm tra tại chốt kiểm soát trên tất cả tuyến đường đã được cấp mã QR, lái xe trình giấy xét nghiệm có giá trị 72 tiếng; tổ chức tiền kiểm và hậu kiểm việc bốc xếp ở bãi hàng hóa; tổ chức tiêm vắc xin cho lái xe và công nhân bốc xếp hàng hóa…
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng công bố đường dây nóng kịp thời giải đáp và tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh, yêu cầu đơn vị liên quan theo dõi và nắm bắt chỉ đạo kịp thời để có tham mưu kịp thời tổ chức phương án vận tải hàng hóa để không có ùn tắc, thực hiện nghiêm quy định phòng chống COVID-19.
Liên quan đến mô hình sản xuất "3 tại chỗ", ông Đỗ Thắng Hải cho rằng trong bối cảnh hiện nay phương án này áp dụng cho sản xuất công nghiệp đến thời điểm này được đánh giá là tốt, được áp dụng thành công ở Bắc Ninh, Bắc Giang.
Theo ông Hải, khi triển khai ở địa bàn phía Nam có bất cập, nên chỉ có thể thực hiện phương án này trong thời gian ngắn thôi. Có khác biệt khi đặc điểm phía Nam có hàng chục ngàn công nhân; người lao động ở nhiều tỉnh thành, nên ở tại một chỗ lâu quá ảnh hưởng tâm lý người lao động.
Thực tế này dẫn tới hiệu quả thực hiện phương án "3 tại chỗ" khó khăn, đứt gãy chuỗi vận chuyển gây ảnh hưởng hiệu quả thực hiện. Chi phí thực hiện "3 tại chỗ" cũng quá cao, gây cản trở cho thực hiện, trong khi quy định của mỗi địa phương là khác nhau, có nơi chỉ cần ca F0 là đóng cửa ngay doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp chủ động không muốn làm.
“Do đó ngày 6-8, Bộ Công thương có văn bản gửi Bộ Y tế đề xuất phương án phù hợp hơn, sửa đổi quy định liên quan đến sản xuất ở các trung tâm công nghiệp. Ví dụ như tổ chức mô hình hoạt động này ra sao, trường hợp có F0 thì xử lý thế nào, hoặc có thể không yêu cầu người lao động ở suốt trong nhà máy.
Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế để có phương án phù hợp nhất, đảm bảo hiệu quả sản xuất và chống dịch cao nhất" - ông Hải nhấn mạnh.