Hiện nay có 55 tuyến xe buýt kết nối với các ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trong đó ga đầu và ga cuối có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến - Ảnh: NAM TRẦN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hoàng Hải - giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội - cho biết do thời điểm quy hoạch các ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông không còn mặt bằng để bố trí chỗ trông xe cho người dân nên tại các ga không xây dựng chỗ gửi xe.
Để thuận tiện hơn cho người dân đi tàu Cát Linh - Hà Đông, ông Hải cho biết Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ khảo sát các điểm gửi xe lân cận các nhà ga. Với ga Cát Linh đầu tuyến và ga Yên Nghĩa cuối tuyến, do mặt bằng rộng nên có thể bố trí điểm gửi xe tại ga. Tuy nhiên, 10 ga dọc tuyến cần khảo sát vị trí có thể làm nơi trông giữ xe.
Ông Vũ Hồng Trường - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) - cho biết do Sở Giao thông vận tải Hà Nội chưa bố trí điểm trông giữ xe nên Hanoi Metro chỉ mới gợi ý các điểm có thể nhận gửi xe cạnh các ga.
Ông Trường cho biết thêm sau khi nhận bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, từ 9h ngày 6-11, các đoàn tàu đã chở khách miễn phí. Trong ngày 6-11 đã có 109 lượt tàu phục vụ 25.680 người đi tàu.
Từ ngày 7-11, tàu Cát Linh - Hà Đông thực hiện đúng kế hoạch khai thác đã được phê duyệt với thời gian từ 5h30 đến 22h. Trong ngày đã có 141 lượt tàu hoạt động với tổng số 54.121 khách. Số khách này vẫn chưa vượt quá 50% sức chứa của tàu.
Với lo ngại hành khách đi tàu đông sẽ có nguy cơ lây lan dịch COVID-19, nhất là ngày 7-11 đã xảy ra tình trạng hành khách ùn ứ tại nhà ga Cát Linh, ông Trường cho biết: để chuẩn bị khai thác, Hanoi Metro đã tạo mã QR tại các nhà ga, trên từng toa tàu để khách khai báo y tế điện tử, có sổ khai báo đối với hành khách không khai báo qua điện thoại.
Bố trí nhiều bình sát khuẩn và chuẩn bị khẩu trang phát miễn phí cho hành khách; bố trí nhân viên đo thân nhiệt; dán thông điệp "5K" tại các nhà ga và trên tàu để nhắc nhở hành khách thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch…
Tuy nhiên, 2 ngày đầu tiên khai thác là hai ngày cuối tuần nên lượng khách đi tàu rất đông. Từ 9h30-11h ngày chủ nhật (7-11) đã xảy ra ùn ứ.
Trước tình hình đó, Hanoi Metro đã bổ sung thêm các giải pháp để phòng, chống dịch như: căng dây theo hình dích dắc để phân luồng hành khách ở sảnh tầng 1; điều phối hành khách trên tầng 3 lên tàu hết thì mới cho khách từ tầng 2 lên, tầng 2 vắng mới cho khách từ tầng 1 lên; hướng dẫn hành khách lên, xuống ga theo đường một chiều.
Đồng thời Hanoi Metro tăng cường nhân viên bảo vệ, huy động nhân viên của tất cả các phòng, ban trong công ty để phân luồng hành khách. Bên cạnh đó, tần suất chạy tàu được giãn cách 15 phút/chuyến, bằng 40% phương án tổ chức chạy tàu đầy đủ.
Các giải pháp trên được triển khai từ đầu giờ chiều 7-11 và tình hình đã được kiểm soát tốt. Sang ngày 8-11, ngày làm việc đầu tuần, lượng khách đi tàu đã giảm nhiều, không còn hiện tượng ùn ứ ở tầng 1 ga Cát Linh.