Những xe rau xanh miễn phí được chở đến tặng người dân tại các khu phong tỏa, cách ly giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng tại TP.HCM - Ảnh: Q.L.
Gần 4.500 bài gửi về tham gia cuộc thi là con số khá bất ngờ, để lại dư vị ấm áp về một cuộc sống đầy ắp ân tình trong khốn khó. Bất ngờ bởi hẳn đó là những tháng ngày không thể quên, càng không đáng nhớ nhưng cần được nhắc lại vì có thể bắt gặp đâu đó trong khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố này những câu chuyện nghĩa tình khi mọi người kề vai sát cánh vượt qua thử thách, đạp bằng khó khăn, nương nhau bước qua đại dịch.
Ân tình cứ thế lan đi
Mỗi bài viết là một góc nhìn, dù của bản thân tác giả hay kể lại câu chuyện của người khác thì cũng đều là trải nghiệm của người trong cuộc. Cuộc thi có thể nói đã cho người khác cái nhìn bao quát về công tác phòng chống dịch COVID-19, những tháng ngày được đánh giá là "chưa bao giờ có ở TP.HCM".
Ban tổ chức cho rằng mỗi câu chuyện đều là "người thật, việc thật", được kể một cách chân thực và có cảm xúc. Ở đó, người đọc tìm thấy những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp, sự chia sẻ của tập thể, tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phòng chống và vượt qua đại dịch COVID-19 mà tự thân mỗi câu chuyện đã khắc họa rõ nét về sự hy sinh, tấm gương xả thân, cống hiến cao cả của lực lượng tuyến đầu chống dịch bệnh...
Ấy là tấm lòng của bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy khi chia sẻ từng giọt sữa quý giá của mình cho bệnh nhi 7 tháng tuổi không may bị nhiễm bệnh và đang phải cách ly với mẹ cũng đang nhiễm COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Bạn đọc càng xúc động trước câu chuyện này khi biết bác sĩ Thanh Thúy đang phải xa đứa con 10 tháng tuổi của chị để góp sức cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch của thành phố.
Hay như lời dặn dò, trấn an trong lá thư gửi trước ngày bước vào mặt trận khốc liệt chống dịch của bác sĩ Huỳnh Quang Đại (khoa hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy) như cú "doping tinh thần" của một "đàn anh" dành cho "đàn em" khiến người đọc cũng như thấy mình được tiếp thêm nghị lực trong cuộc chiến chưa từng đối mặt ấy.
"Chưa bao giờ người bệnh cần bác sĩ như bây giờ. Nên tụi em hãy lên đường đi, đừng đắn đo nữa nhé. Hãy can đảm và mạnh mẽ lên nhé, ai cũng có một thời trai trẻ!", lời thư viết tưởng nhẹ tênh mà đọc thấy cay khóe mắt!
Cuộc thi đã lan tỏa nhiều câu chuyện nhân văn, hình ảnh cảm động về công tác phòng chống dịch thấm đậm tình người, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc Việt Nam, của người dân TP.HCM nhân ái, nghĩa tình.
Bà NGUYỄN THỊ BẠCH MAI (phó trưởng ban thường trực Ban dân vận Thành ủy TP.HCM)
Báo chí dấn thân!
Việc có bảng thi dành riêng cho báo chí xuất phát từ chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên giao Ban dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban tuyên giáo Thành ủy, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam TP.HCM nghiên cứu tổ chức trao giải báo chí "Chuyên đề phòng chống dịch COVID-19" trên địa bàn thành phố.
Ban tổ chức cuộc thi đánh giá nhiều tác phẩm đã được đầu tư kỹ lưỡng, ghi dấu ấn của sự dấn thân, lao động của phóng viên, biên tập viên và tập thể cơ quan báo chí. Mà thực tế chứng minh suốt những tháng ngày dịch bệnh hoành hành ấy, những người làm báo luôn có mặt tại nhiều điểm nóng, đi vào những nơi được xem là ổ dịch bất kể thời gian nào trong ngày chỉ với mong muốn được chuyển nhanh nhất thông tin, tình hình dịch bệnh đến người đọc.
Có thể kể đến tác phẩm interactive Gần 160 ngày cùng TP.HCM chống dịch được chọn là 1 trong 4 giải nhất của cuộc thi - là một tác phẩm báo chí được đầu tư công phu. Ở đó, người đọc có được cái nhìn gần như toàn cảnh về cuộc chiến chống dịch suốt nhiều tháng ròng của đợt dịch thứ tư tại TP.HCM và cả nước qua nhiều số liệu, hình ảnh, đồ họa... mà có những con số thật sự không muốn nhớ vì quá đau lòng!
Phó trưởng ban thường trực Ban dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai - đại diện ban tổ chức cuộc thi - nói các phóng viên, biên tập viên đã cùng với lực lượng tuyến đầu, các tình nguyện viên, các cán bộ công chức đã không quản gian khổ, hy sinh, nguy hiểm để có được các tác phẩm chân thật, giàu cảm xúc, đáp ứng nhu cầu thông tin của độc giả.
"Các anh chị kịp thời có mặt tại những điểm nóng như các 'ổ dịch', khu cách ly, các bệnh viện dã chiến để thuật lại những câu chuyện đầy tính nhân văn, bắt kịp từng khoảnh khắc để có những bức ảnh sống động, hay ghi những thước phim giàu cảm xúc... qua đó thực hiện sứ mệnh cao cả của người làm báo" - bà Bạch Mai chia sẻ.
Báo Tuổi Trẻ kết nối câu chuyện nghĩa tình
Cuộc thi do Ban dân vận và Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cùng phối hợp tổ chức, báo Tuổi Trẻ thực hiện. Với sứ mệnh kết nối, chuyển tải những câu chuyện nhân văn đến với mọi người, Tuổi Trẻ đã đăng tải 116 bài viết trên các ấn phẩm của báo với đa dạng thể loại, hình thức thể hiện.
Phát động từ đầu tháng 7, cuộc thi dự kiến nhận bài đến cuối tháng 9 song đã phải kéo dài đến cuối tháng 10-2021 đồng thời chia thành 2 bảng thi riêng. Từ hàng ngàn bài viết ở bảng thi dành cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân thành phố, hội đồng chung khảo đã chọn 44 bài vào chung khảo và quyết định trao giải cho 26 bài xuất sắc nhất gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 20 giải khuyến khích.
Với bảng thi dành cho tác phẩm của cơ quan báo chí, từ 166 tác phẩm do 23 đơn vị gửi tham dự, ban tổ chức chọn 92 tác phẩm vào chung khảo và quyết định trao giải cho 62 tác phẩm nổi bật. Trong đó có 4 giải nhất, 12 giải nhì, 16 giải ba, 20 giải khuyến khích cùng 10 giải thưởng nhân vật.