Sạt lở bờ kênh ở Cần Thơ ảnh hưởng đến đường giao thông

7 tháng trước 68
Chú thích ảnhHiện trường vụ sạt lở bờ kênh Rạch Chanh trên địa bàn phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: TTXVN phát

Điểm sạt lở xuất hiện lúc 6 giờ 45 phút ngày 2/4, trên tuyến Rạch Chanh thuộc khu vực Long Thành, phường Long Hưng, quận Ô Môn. Chiều dài sạt lở khoảng 25m, lấn sâu vào đất liền.

Theo báo cáo sơ bộ của Phòng Kinh tế quận Ô Môn, sạt lở làm ảnh hưởng đường bê-tông ven Rạch Chanh, không gây thiệt hại về người. Sau khi sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận Ô Môn và thành phố Cần Thơ đã kiểm tra hiện trường, có phương án chỉ đạo, khắc phục thiệt hại, đảm bảo an toàn cho người dân.

Năm 2023, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 41 vụ sạt lở, tăng 28 vụ so với năm 2022. Trước tình hình trên, thành phố đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại. Các vụ sạt lở được ghi nhận trên địa bàn các huyện Thới Lai, Phong Điền, Vĩnh Thạnh, quận Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt làm 8 căn nhà sạt hoàn toàn xuống sông, 21 căn bị ảnh hưởng. Sạt lở cũng làm 2 người bị thương. Tổng chiều dài sạt lở gần 2.450m, uớc thiệt hại gần 34,5 tỷ đồng.

Thành phố Cần Thơ đã xem xét xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 20/41 điểm sạt lở nguy  hiểm. Đến nay, UBND thành phố đã ban hành 17 lệnh xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng, khắc phục xử lý trên 1.700m sạt lở.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố xảy ra 1 vụ sạt lở trên tuyến sông Trà Nóc thuộc quận Bình Thủy. Trước tác động của biến đổi khí hậu và diễn biến ngày càng phức tạp có chiều hướng gia tăng của thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ tiếp tục đề ra nhiều biện pháp ứng phó. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phương châm "4 tại chỗ" cũng như thực hiện hiệu quả các chính sách cứu trợ và khắc phục hậu quả.

Nguồn bài viết