Sơn La sớm di chuyển các hộ dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở

2 năm trước 237
Chú thích ảnhMột khu dân cư thuộc bản Na Pản, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu nằm dưới ngọn núi lớn, có nguy cơ sạt lở.

Bản Na Pản, xã Chiềng Đông hiện có gần 270 hộ dân sinh sống tại 4 khu dân cư khác nhau; trong đó, có 2 khu dân cư Phay Mày và Pha Hán có vị trí nằm dọc bờ suối và dưới chân một ngọn núi đá. Do vậy, tại đây tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất rất lớn. Không những thế, do nằm bên kia bờ suối nhưng không có cầu bắc qua nên mỗi khi mưa lũ về 2 điểm dân cư này thường xuyên bị cô lập.

Chú thích ảnhMột khu dân cư thuộc bản Na Pản, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu nằm bên dòng suối tiềm ẩn nguy cơ lũ quét.

Là một hộ dân sinh sống cạnh dòng suối, mỗi khi mùa mưa lũ về gia đình chị Quàng Thị Hướng ở khu Phay Mày, bản Na Pản lại hết sức lo lắng vì nguy cơ lũ quét. Chị Quàng Thị Hướng chia sẻ, vào năm 2018 trong một đợt mưa lũ lớn khu vực sân nhà và khu chăn nuôi trâu, bò đã bị ngập. Sau đó, gia đình chị đã phải thuê máy xúc đắp đất lên cao và trồng thêm một rặng tre để ngăn nước vào nhà cũng như giảm nguy cơ bị lũ quét. Hiện, gia đình chị và nhiều hộ dân khác trong bản đều mong muốn được chuyển đến nơi ở mới để yên tâm, ổn định cuộc sống.

Còn khu dân cư Pha Hán, bản Na Pản nằm cách đó không xa và tại đây nhà cửa của người dân đều được dựng ở dưới một ngọn núi đá lớn. Những năm trước ở đây nhiều lần xảy ra tình trạng đá lăn từ trên núi xuống, nhưng may mắn chưa ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống ở đây.

Chú thích ảnhCán bộ huyện Yên Châu và người dân khảo sát vị trí được chọn để xây dựng điểm bố trí lại dân cư bản Na Pản, xã Chiềng Đông.

Ông Hoàng Văn Sinh, điểm dân cư Pha Hán cho biết, vào năm 2020 một hòn đá lớn có đường kính gần 3m đã lăn xuống từ trên núi xuống bản vào lúc rạng sáng. Nhưng do đá rơi xuống vướng vào một số cây xoài trên nương nên may mắn không lăn vào nhà dân. Mỗi khi mùa mưa đến người dân trong bản rất lo lắng bởi nguy cơ đá lăn vào nhà không biết lúc nào. Vì, nếu đá lăn vào ban ngày có thể chạy được những ban đêm khi đang ngủ lại càng nguy hiểm hơn.

Hàng năm, mỗi khi mùa mưa đến tại bản Na Pản đã xảy ra tình trạng lũ quét và ngập úng đối với các hộ dân sinh sống dọc suối. Trong những năm trước, tại đây đã có 6 hộ dân phải chuyển đến nơi ở mới do nguy cơ lũ quét và sạt lở đất.

Chú thích ảnhMột tảng đá lớn đã lăn từ trên núi xuống khu dân cư thuộc bản Na Pản, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu vào năm 2020.

Ông Hoàng Văn Chanh, Bí thư Chi bộ bản Na Pản thông tin, do các điểm dân cư nằm cạnh dòng suối nên khi mưa lũ về nước dâng cao và chảy xiết ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và các cháu học sinh. Ngoài ra, do khoảng 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bản đều nằm bên kia bờ suối nên người dân vẫn thường xuyên qua lại để canh tác. Thời gian qua, khi có dự án bố trí sắp xếp dân cư người dân trong bản đều nhất trí di chuyển đến nơi ở mới.

Tuy nhiên, việc thu hồi đất để bố trí nơi ở mới cho các hộ dân còn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là do vị trí bố trí nơi ở mới nằm trên đất nông nghiệp của hơn 20 hộ dân; trong đó, có 5 hộ dân bị mất gần 80% diện tích đất sản xuất. Do đó, các hộ dân này mong muốn được bố trí đất sản xuất nông nghiệp ở vị trí khác để đảm bảo đời sống. Người dân trong bản cũng mong muốn địa phương sớm triển khai thực hiện dự án này để đảm bảo an toàn, ổn định dân cư.

Theo UBND huyện Yên Châu, dự án bố trí sắp xếp dân cư bản Na Pản nhằm ổn định cuộc sống cho 69 hộ dân vùng thiên tai và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Dự án được triển khai với quy mô sử dụng đất khoảng 4,8 ha. Các hạng mục được thực hiện gồm: san nền nhà; xây dựng đương giao thông vào điểm và đường nội bộ; bố trí tuyến đường điện và công trình cấp nước sinh hoạt. Tiến độ thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2023.

Chú thích ảnhHàng ngày người dân thuộc khu dân cư Phay Mày, bản Na Pản, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu phải đi qua dòng suối lớn để về nhà.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho hay, dự án bố trí sắp xếp dân cư bản Na Pản có tổng mức đầu tư 14,8 tỷ đồng; trong đó, từ nguồn bổ sung cân đối ngân sách tỉnh Sơn La là hơn 8 tỷ đồng và nguồn ngân sách của huyện khoảng 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay còn khó khăn do nguồn vốn chưa được bố trí.

UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh Sơn La và các sở, ngành giao nguồn vốn sớm nhất và tập trung bố trí nguồn ngân sách huyện để sớm triển khai dự án tái định cư bản Na Pản. Đối với việc thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân tại nơi bố trí điểm dân cư mới, huyện Yên Châu đã có phương án bố trí đất sản xuất tại vị trí khác cho các hộ dân này.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Yên Châu còn có 2 điểm dân cư khác cũng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất nằm tại bản Luông Mé, xã Chiềng Đông với quy mô gần 40 hộ và bản To Buông, xã Lóng Phiêng với trên 30 hộ. Thời gian qua, UBND huyện Yên Châu đã kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép lập dự án để di chuyển người dân đến điểm an toàn hơn.

Nguồn bài viết