Công ty cơ khí Duy Khanh đầu tư thêm nhà máy, nâng công suất trước cơ hội mới - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nhiều hội nghị, sự kiện kết nối gần đây quy tụ những tập đoàn quốc tế lớn tham gia. Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang gia tăng vị thế khi được nhiều DN Hoa Kỳ và châu Âu ưu tiên lựa chọn.
Boeing phát huy tiềm năng từ Việt Nam
Tại Diễn đàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Boeing vừa diễn ra ở Hà Nội, ông Michael Nguyễn - giám đốc Boeing Việt Nam - chia sẻ hiện Boeing có bảy nhà cung cấp tại Việt Nam. Một chiếc Boeing 747 có khoảng sáu triệu vật dụng, linh kiện thì có 50% là vật tư nhỏ, đinh ốc. Và mỗi chiếc Boeing được sản xuất ra đều có linh kiện, thiết bị được sản xuất từ Việt Nam, như cánh và cửa ra vào máy bay. "Boeing mua hàng từ nhiều nơi trên thế giới và nhận thấy Việt Nam có tiềm năng từ nhân viên, chuyên gia có thể sản xuất và cung ứng sản phẩm cho Boeing", ông Michael Nguyễn cho hay.
Trong hai ngày từ 8 và 9-9, Sở Công Thương TP.HCM cũng tổ chức hội nghị kết nối giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ. Nhiều DN đã có cuộc gặp gỡ, những cái bắt tay hợp tác khá sôi nổi.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết thêm nhu cầu tìm nhà cung cấp của DN sản xuất đầu cuối và tìm đối tác mua hàng của DN công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM là rất lớn.
Tập đoàn đa quốc gia Techonic Industries (TTi), chuyên về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ và Bắc Âu, đang triển khai dự án đầu tư 650 triệu USD vào Khu công nghệ cao TP.HCM. TTI mong muốn tìm nhà cung cấp cho hàng trăm chi tiết linh kiện; Công ty Điện Quang vừa muốn tìm nhà mua hàng, vừa tìm cơ hội hợp tác thu mua các loại linh kiện phục vụ cho lĩnh vực sản xuất mới...
Sabrina Ánh Trần, giám đốc bộ phận mua hàng Công ty TTi - cho biết mỗi năm hãng này cho ra đời 100 - 200 dự án phát triển kinh doanh và mẫu sản phẩm mới. TTi đã chuyển nhiều thương hiệu sang sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt mảng thiết bị ngoài trời 100% chuyển sang Việt Nam. Hiện có những khó khăn về chuỗi cung ứng ở một số nước, vì vậy Việt Nam sẽ là thị trường mà công ty tập trung phát triển trong vài năm tới.
Bà Sabrina cho hay đang đặt mục tiêu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam sẽ có tỉ lệ nội địa hóa tới 80% như mảng đúc, bảng mạch... "Chúng tôi mong muốn tìm các nhà cung ứng Việt Nam cùng phát triển" - bà Sabrina nói.
Chi trăm tỉ xây nhà máy đón... đơn hàng
Dòng chảy công nghiệp hỗ trợ đang mạnh, nhiều DN Việt đã mạnh dạn đầu tư nhà máy và có quá trình vượt lên ấn tượng để gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tại trụ sở trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP.HCM), Công ty cơ khí Duy Khanh tấp nập người ra vào. Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch công ty, nhìn nhận từ chỗ số lượng DN cơ khí ở TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay thì giờ đây đã tương đối phát triển, máy móc và thiết bị hiện đại giúp giảm sự phụ thuộc vào tay nghề công nhân để sản xuất sản phẩm chính xác cao.
Vui mừng công nhận Việt Nam đang là "điểm sáng" để nhiều DN quốc tế tìm tới đặt hàng, ông Tống cho hay Nidec - DN sản xuất động cơ lớn của Nhật, có nhà máy ở Khu công nghệ cao TP.HCM - đã đặt hàng Duy Khanh. Đáng lưu ý, các thiết bị linh kiện và phụ tùng nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc sẽ chính là mặt hàng sẽ được sản xuất ở nhà máy mới của Duy Khanh. Ngoài ra, công ty đang là đối tác lâu năm của Toshiba, Panasonic...
Cơ hội tới, dự kiến cuối năm 2022, ông Tống sẽ đưa vào khai thác nhà máy cơ khí chính xác mới tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Nhà máy này được đầu tư công nghệ dập ép bột kim loại và thiết kế để sản xuất chi tiết máy và linh kiện phục vụ công nghệ cao. Khi đưa vào hoạt động, năng lực sản xuất sẽ tăng lên gấp 2-3 lần so với hiện nay.
Hơn 20 năm hoạt động sản xuất phụ tùng xe máy và xe đạp cung cấp cho các DN trong nước, lần đầu tiên Công ty Liên Vinh (Livico) vừa bước lên nấc thang mới chuyển sang cung ứng các sản phẩm trực tiếp cho các tập đoàn nước ngoài. Bà Phạm Thị Hà Liên, tổng giám đốc công ty, cho hay đã nhận được đặt hàng dài hạn của DN nước ngoài như TTi và LCT. "Hiện chúng tôi đang hoàn thành đơn hàng 45.000 linh kiện động cơ máy nổ cho LCT trong quý 4-2022. LCT cũng ký hợp đồng trong năm 2023 với 130.000 sản phẩm. Tập đoàn TTi đặt đơn hàng 30.000 sản phẩm/tháng, nhưng nhân lực công ty chỉ mới đáp ứng được 5.000 sản phẩm/tháng" - bà Liên cho hay trước khả năng phát triển mới.
Lo lép vế với sự đổ bộ của DN ngoại
Đầu tư mở rộng lớn với nhà máy hàng trăm tỉ đồng, theo ông Đỗ Phước Tống, là quyết định lớn nhưng tiềm ẩn rủi ro khi phải cạnh tranh khốc liệt với các DN ngoại: "Trong quá trình lên dự án đầu tư thì chưa có DN nào làm. Nhưng khi nhà máy chưa hoàn thành thì đã có DN nước ngoài nhảy vào làm y chang".
Theo nhiều DN, đang có xu hướng dịch chuyển DN FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam kéo theo hệ thống DN cung cấp sản phẩm cũng sang theo và họ cũng thành DN "made in VietNam". Trong ngành cơ khí, sự cạnh tranh khốc liệt cũng đến từ các nước Thái Lan, Trung Quốc... Ngay cả DN Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc cũng đổ bộ đầu tư vào Việt Nam làm các sản phẩm tương tự DN Việt.
"Họ có lợi thế về mối quen khách hàng, nguồn lực, kinh nghiệm và có thể được hỗ trợ từ Nhà nước. Do đó, DN Việt Nam khi mở rộng sản xuất rất cần được hỗ trợ" - ông Tống nói.
Trong khi đó, theo nhiều DN cơ khí, dù thời gian qua đã có không ít chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển của công nghiệp hỗ trợ được ban hành nhưng phần lớn chỉ mang ý nghĩa động viên về tinh thần do rất khó tiếp cận. Trong khi đó, các DN trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Thiếu vốn, thiếu công nghệ, khó có đất để xây dựng nhà xưởng, họ đang rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả. Ngay việc các DN trong nước liên kết với nhau cũng cần có bàn tay "nhạc trưởng" tốt hơn.
Hỗ trợ lãi vay cho DN công nghiệp hỗ trợ
Công nhân chăm chú công đoạn trong quá trình sản xuất khuôn tại một nhà máy trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP.HCM - Ảnh: C.TRUNG
Theo thống kê, đến tháng 8-2022, Sở Công Thương TP.HCM đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND TP phê duyệt 32 dự án đầu tư của 28 DN công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn với tổng mức đầu tư là hơn 2.336 tỉ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là hơn 1.312 tỉ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 73 tỉ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là hơn 41 tỉ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.
Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho DN Việt Nam
Với sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng trên toàn cầu, thời gian qua nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam và mang tới nhiều cơ hội lớn và thách thức cho DN Việt.
Làm sao để có thể chớp thời cơ giúp DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu? Đó cũng chính là câu hỏi quan trọng được đặt ra tại hội thảo "Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng - cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam", với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp và các địa phương khu vực phía Nam như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh... Cùng với đó là các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.
Đặt biệt, tại hội thảo, các DN "đầu tàu" sẽ chia sẻ về mô hình và nhu cầu hợp tác với các DN vừa và nhỏ: liên kết về công nghệ, nguồn nhân lực, trung tâm R&D, chia sẻ đơn hàng.... để tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hội thảo do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức, diễn ra từ 13h-17h ngày 15-9-2022 tại Trung tâm hội nghị và triển lãm tỉnh Bình Dương (B11 đường Hùng Vương, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
Lãnh đạo DN, bạn đọc, chuyên gia đăng ký dự hội thảo vui lòng liên hệ: chị Ái Điệp (số điện thoại: 0909 072 489) hoặc gửi thư về địa chỉ email: [email protected].
A.D.