Sóc Trăng: Sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp

1 năm trước 103
Chú thích ảnhĐiểm sạt lở ảnh hưởng đường giao thông được địa phương khắc phục cho bà con lưu thông, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. 

Ghi nhận của phóng viên, tại điểm sạt lở ở tuyến rạch Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách, chỉ một đoạn ngắn khoảng 4km nhưng đã có đến 8 điểm sạt lở, ước thiệt hại gần 250 triệu đồng. Gần đây nhất, có điểm sạt lở đã ăn sâu vào bờ khoảng hơn 10m, trên chiều dài 30m sát nhà dân, làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích đất, cây cối, công trình kiến trúc.

Ông Huỳnh Văn Hà (nhà ở trên tuyến rạch Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách) cho biết, sạt lở xảy ra hơn một tháng nay. Vị trí sạt lở ăn sâu vào gần sát nhà dân, làm đứt một đoạn đường giao thông nông thôn, người dân đi lại rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Non, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ, huyện Kế Sách thông tin, trên địa bàn xã An Mỹ, năm 2022 có khoảng 20 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 500m ăn sâu vào bờ bao, đường giao thông và đất canh tác của hộ dân. Ngành chức năng huyện và tỉnh đã khảo sát khắc phục một số điểm sạt lở.

Chú thích ảnhĐiểm sạt lở ở tuyến Rạch Phụng An (xã An Mỹ) huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng Phạm Tấn Đạo tình hình sạt lở bờ sông, bờ kênh thường xuyên xảy ra đối với các huyện ven sông Hậu, cao điểm vào tháng mưa, lũ. Nguyên nhân do thủy triều cao và gió to sóng lớn. Về lâu dài, ngành chuyên môn tư vấn khảo sát, đánh giá sát thực tế sạt lở để có những giải pháp triệt để hơn.

Huyện Kế Sách có 24 km chiều dài bờ giáp với sông Hậu, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 33 điểm sạt lở trên chiều dài hơn 1km. Chính quyền địa phương đã khắc phục được 29 vị trí và đang tiếp tục đề xuất các phương án khắc phục tại các vị trí còn lại.

Nguồn bài viết