Hành khách khệ nệ hành lý ra khu vực đón xe ở ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: CÔNG TRUNG
Sau dịch, các chuyến bay quốc tế chưa thể khôi phục nhưng lượng khách nội địa tăng đột biến khiến ga quốc nội vốn đã quá tải nay càng tăng thêm áp lực. Chẳng hạn, cao điểm dịp hè vừa qua, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 900 chuyến bay với trên 120.000 lượt khách, trong đó 80% là khách di chuyển nội địa.
Theo đó, phương tiện đón, trả khách ở sân bay cũng rơi vào tình trạng căng thẳng. Nạn "chặt chém" giá, cò mồi tung hoành ở khu vực nhà xe là nỗi ám ảnh của du khách đặt chân đến sân bay lớn nhất nước.
Ông Nguyễn Nam Tiến, phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thừa nhận các hãng taxi, xe công nghệ khi làm việc với sân bay hứa hẹn cam kết đủ tài xế, số lượng xe đáp ứng nhưng thực tế không đủ được vì nhiều lý do.
Không thể phủ nhận áp lực của đơn vị điều hành sân bay Tân Sơn Nhất khi lượng khách tăng quá cao, nhưng phải chăng những bát nháo, lộn xộn tại sân bay thời gian qua đều do yếu tố khách quan là quá tải như các nhà quản lý sân bay này đưa ra?
Bất cứ hành khách nào từng đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất và đối mặt với tình trạng hỗn loạn để về nhà đều không nghĩ như vậy. Rõ ràng nhất là cách tổ chức, điều hành đang có vấn đề. Xe công cộng như xe buýt, sân bay lại bố trí vị trí đón ở tít tắp ga quốc tế. Khi có áp lực dư luận, sân bay mới vội vàng cho phép hoạt động ở ga quốc nội.
Rõ ràng sự bất cập ở sân bay này khi "kén cá chọn canh" ưu tiên taxi, ngó lơ xe công cộng khiến xe buýt rơi vào tình cảnh vắng hoe, khách đỏ mắt tìm thông tin đón xe buýt.
Chưa kể, lúc cao điểm, khách cần sử dụng taxi nhưng điều phối xe ra vào khó khăn do bên trong nhà xe TCP chật hẹp. Việc linh hoạt cho xe taxi ra làn C, trước nhà ga quốc nội, để khách thuận tiện đón vẫn còn chậm chạp.
Sau nhiều bức xúc của dư luận, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trực tiếp khảo sát, chỉ đạo các đơn vị tìm mọi phương án để giảm thiểu tối đa tình trạng nhốn nháo ở khu vực đón, trả khách. Vài ngày sau sân bay Tân Sơn Nhất đã có chuyển biến rõ rệt trong việc đón xe.
Điều đó cho thấy dù khách tăng nóng là có nhưng vẫn có nhiều cách để sắp xếp việc đi lại, đưa đón của các loại xe vận chuyển và hành khách tại đây trở nên thuận tiện hơn, nhưng các đơn vị quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, vì một lý do nào đó, không quyết liệt thay đổi.
Sau chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, sân bay Tân Sơn Nhất và cơ quan chức năng mới động tay động chân giải quyết, mọi thứ mới đi vào nề nếp. Đây là vấn đề phải xem lại về trách nhiệm và năng lực điều hành của ban lãnh đạo sân bay.
Hơn thế nữa, rất nhiều hành khách cũng như giới chạy xe taxi, xe công nghệ đang có cùng một suy nghĩ rằng phải chăng tình trạng lộn xộn tại sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua là do có lợi ích nhóm, vì tối đa lợi ích của một nhóm cá nhân nào đó mà tối thiểu hóa lợi ích chung của sân bay, của cộng đồng.
Cần phải hiểu rằng, khách hàng đến sân bay Tân Sơn Nhất đã trả tiền để được phục vụ chứ không đi miễn phí. Trong vé máy bay của khách hàng, riêng tiền phí sử dụng dịch vụ cảng được các hãng bay thu hộ 100.000 đồng/khách. Đó là chưa kể khách đi xe taxi, xe công nghệ phải mất thêm phí ra vào sân bay.
Các biện pháp mới đây tại sân bay Tân Sơn Nhất đã có hiệu quả nhưng chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu ngồi ngóng nhà ga quốc tế T3 và sân bay Long Thành đi vào khai thác để "chia lửa" giảm tải với sân bay Tân Sơn Nhất, vấn đề kẹt mùa cao điểm sẽ còn tiếp diễn dài dài.
Muốn làm thì sẽ tìm giải pháp, không muốn làm sẽ tìm nguyên nhân đổ lỗi. Thay vì đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, các nhà quản lý sân bay Tân Sơn Nhất hãy sòng phẳng với khách hàng bỏ tiền ra "mua dịch vụ" ở sân bay.
Nếu không cấp bách giải quyết vấn đề hạ tầng bằng cách làm "sống dậy" các phương án đang nằm trên giấy như làm hầm chui, nhà xe ở ga quốc tế... chắc có lẽ vấn đề kẹt từ trong ra ngoài ở sân bay là điều đương nhiên xảy ra vào mùa cao điểm đi lại.