Sâm Việt Nam sẽ được tập trung trồng ở tỉnh nào từ nay đến năm 2030?

2 năm trước 114
Sâm Việt Nam sẽ được tập trung trồng ở tỉnh nào từ nay đến năm 2030? - Ảnh 1.

Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu là 3 địa phương tập trung phát triển vùng nguyên liệu sâm - Ảnh: LÊ TRUNG

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc phê duyệt dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045 (gọi tắt Chương trình phát triển sâm).

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh. 

Tính đến hết năm 2021, các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã trồng được hơn 7.670ha, một số doanh nghiệp đã sản xuất theo chuỗi từ gây trồng, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển cây sâm, đặc biệt là sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, như chưa nằm trong một kế hoạch tổng thể, thiếu quy hoạch địa điểm, quy mô, diện tích vùng trồng. 

"Thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng hợp pháp, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Thiếu cơ sở sơ chế, chế biến sâu và đặc biệt là công tác quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ còn chưa tương xứng với thương hiệu 'quốc bảo' và chưa tạo thành ngành hàng đem lại doanh thu cao...." - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu khó khăn.

Do đó, việc xây dựng chương trình phát triển sâm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, loài cây đặc hữu, để nâng cao thu nhập cho người dân, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tạo nguồn thu cho địa phương, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh là rất cần thiết.

Theo dự thảo, mục tiêu chương trình sẽ phát triển sâm thành thương hiệu quốc gia, đưa sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược, chăm sóc sức khỏe và đa dạng hóa sản phẩm.

Đưa sâm trở thành thương hiệu sản phẩm quốc gia, góp phần tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Cụ thể, phát triển vùng nguyên liệu trồng sâm Việt Nam tập trung tại các tỉnh có điều kiện sinh thái phù hợp lên khoảng 24.000ha vào năm 2030 và 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.

Trong đó, diện tích trồng sâm tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum khoảng 20.000ha, tỉnh Lai Châu khoảng 2.500ha và các tỉnh còn lại (Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai và Điện Biên) khoảng 1.500ha. 

Đối với phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam ở quy mô hàng hóa, tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) và sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fiscidiscus) là đối tượng được tập trung bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa.

Sâm Lang Biang (Panax vietnamensis var. langbianensis) là đối tượng được bảo tồn, gây trồng, phát triển quy mô thử nghiệm ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp.

Từ năm 2030, sản lượng khai thác sâm đạt khoảng 300 tấn/năm (tương đương diện tích khai thác 1.000ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.

Đầu tư, xây dựng các cơ sở/nhà máy sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi. Trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).

Định hướng đến năm 2045, phát triển sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương và đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.

Dự kiến tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình hơn 52.000 tỉ đồng, trong đó vốn xã hội hóa khoảng 50.000 tỉ đồng, còn lại là vốn ngân sách, sự nghiệp, đầu tư.

Phát triển Sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc giaPhát triển Sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia

TTO - 'Sâm Ngọc Linh là quốc bảo của Việt Nam' - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu như vậy khi ông đang là Thủ tướng Chính phủ vào năm 2018. Ông cũng nhấn mạnh thêm: 'Là quốc bảo thì phải đi liền với quốc kế dân sinh'.

Nguồn bài viết