Hai bạn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể tự động hóa robot mà không cần người điều khiển từ xa - Ảnh: NHẬT LINH
Robot đa năng chống dịch COVID-19 chính là thành quả sau ba tháng tự mày mò, nghiên cứu của hai bạn trẻ.
Tích hợp nhiều tính năng chống dịch
Tìm về Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) giữa cái nắng ban trưa như đổ lửa, chúng tôi gặp hai bạn trẻ Hoàng Minh Nhật và Trương Viết Bảo Châu đang cặm cụi mày mò lắp thêm bộ đèn chiếu sáng lên robot phòng chống dịch. Con robot này có phần khung thân khá thấp, chỉ cao khoảng 60cm và di chuyển bằng ba bánh xe.
Phần bên dưới của robot như một máy quét rác tự động với hệ thống chổi xoay vòng giúp thu lượm rác thải y tế. Thùng rác được đặt ngay trên lưng của robot và bên trên thùng được lắp một khung kim loại chắc chắn dùng để chở đồ đạc.
Phần trước của robot có hai thanh kim loại cao đến ngang bụng được hai bạn trẻ gọi vui là phần râu của robot. Một thanh lắp máy đo nhiệt độ tự động và thanh còn lại lắp vòi phun xịt nước sát khuẩn kèm theo đèn chiếu tia UV.
Lấy bộ công tắc điều khiển to bằng chiếc hộp đựng giày với chi chít các nút bấm bên trên, Nhật bật nút và nói sẽ biểu diễn cho chúng tôi xem hết khả năng của robot.
Hai chiếc chổi tròn lắp bên dưới xoay vòng quét sạch rác, bụi dưới nền nhà. Hai bánh xe động cơ phía sau và một bánh xe có trục xoay lắp phía trước giúp robot có thể di chuyển linh hoạt tới lui dọc hành lang nơi thử nghiệm.
Vòi phun nước sát khuẩn phía trước robot cũng bắt đầu bắn ra những tia nước li ti dạng sương. Bên dưới vòi nước, hệ thống đèn UV cũng được bật sáng và theo như lời của Minh Nhật thì loại đèn này có thể diệt đến 70% vi khuẩn trong không khí.
Vừa thao tác trên bộ điều khiển, Minh Nhật nói chúng tôi đến gần và đưa bàn tay ra gần với chiếc máy đo thân nhiệt tự động. Lập tức trên màn hình bộ điều khiển hiển thị nhiệt độ của người đo là 37OC.
"Robot còn được lắp một camera để có thể truyền hình ảnh trực tiếp về màn hình điều khiển. Cùng với hệ thống bộ đàm giúp các bác sĩ có thể giao tiếp trực tuyến với các bệnh nhân đang ở trong khu vực cách ly. Robot được lắp hệ thống điều khiển từ xa bằng sóng RF nên có thể điều khiển, truyền hình ảnh trong phạm vi tối đa là 500m", Bảo Châu nói.
Bảo Châu kể rằng ý tưởng thiết kế ra con robot này xuất hiện vào cuối năm ngoái, khi hình ảnh những y bác sĩ lả đi vì mệt trong khu cách ly điều trị COVID-19 gây xúc cảm mạnh mẽ đến hai cậu học trò lớp 11.
"Bọn em tự lên mạng tìm tòi, đọc thêm sách về cơ chế điều khiển từ xa để thiết kế một con robot với hy vọng có thể giúp đỡ các bác sĩ trong khu cách ly những việc như sát khuẩn phòng bệnh, đo thân nhiệt hằng ngày cho bệnh nhân, đưa thuốc men, thức ăn...", Minh Nhật chia sẻ.
Sẽ nghiên cứu để tự động hóa robot
Sau khi hoàn thiện, Minh Nhật và Bảo Châu đem robot đến Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (huyện Phú Lộc) chạy thử nghiệm. Sau hai ngày thử nghiệm, cả hai bạn trẻ như vỡ òa vì robot được chính các y bác sĩ tại đây dành nhiều lời khen ngợi và đánh giá rất cao.
Bác sĩ Hoàng Văn Thám, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Chân Mây, đánh giá rất cao robot của Châu và Nhật. Theo bác sĩ Thám, robot này giúp các bác sĩ hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh trong việc đưa thuốc, đồ ăn, đo thân nhiệt...
"Thậm chí nó cũng có thể thay con người tiến vào môi trường độc hại để phun xịt chất sát khuẩn", bác sĩ Thám nói.
Theo Minh Nhật, chi phí để chế tạo ra robot phòng chống dịch là khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên chi phí sẽ rẻ hơn với những lần lắp ráp sau bởi công thức lắp ráp đã được hai bạn trẻ hoàn thiện.
"Chúng em đang tiếp tục nghiên cứu để cố gắng tự động hóa toàn bộ con robot này. Hiện nay công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp robot có thể tự giao tiếp và đưa ra những hành động phù hợp với con người như ở Nhật Bản, Hàn Quốc... Chúng em đang nghiên cứu để tiến đến robot có thể tự hoạt động mà không cần có người điều khiển từ xa", Minh Nhật nói.
Thầy Nguyễn Hoàng Ngọc, hiệu trưởng Trường THPT Thừa Lưu, cho biết nhờ những công năng hữu ích mà sản phẩm robot hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 của hai bạn Bảo Châu và Minh Nhật đã đoạt giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế 2020.
"Sản phẩm này cũng được hội khoa học kỹ thuật tỉnh chọn đi thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, năm 2021", thầy Ngọc nói.
Không dừng lại ở việc chế tạo robot
Sau thành công bước đầu của robot hỗ trợ phòng chống dịch, cả Minh Nhật và Bảo Châu đều nói rằng sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu kiến thức được học để sáng chế những vật dụng hữu ích nhằm hỗ trợ các y bác sĩ, những nhân viên nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19.
"Chúng em cũng đã bàn bạc và sắp tới sẽ nghiên cứu thêm bộ áo quần bảo hộ có thể điều hòa thân nhiệt cho các bác sĩ làm việc trong khu cách ly", Bảo Châu nói.