Sydney tái phong tỏa vì ổ dịch trong thẩm mỹ viện

3 năm trước 310
Sydney tái phong tỏa vì ổ dịch trong thẩm mỹ viện - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại một trạm xét nghiệm "drive-through" của Sydney, nơi người dân không cần xuống xe mà vẫn có thể lấy mẫu xét nghiệm để hạn chế lây nhiễm - Ảnh: AFP

Theo lệnh của bà Gladys Berejiklian, thủ hiến bang New South Wales, lệnh phong tỏa sẽ bắt đầu từ nửa đêm 25-6 và kéo dài trong 1 tuần trước khi có quyết định kế tiếp.

Những người đã tới các khu vực phong tỏa trong vòng 2 tuần qua được yêu cầu ở yên trong nhà, trừ việc khẩn cấp.

Tất cả người dân tại khu phong tỏa chỉ được rời nhà khi có lý do chính đáng như làm việc, cấp cứu y tế, mua nhu yếu phẩm. Người dân vẫn được phép ra ngoài tập thể dục, theo Hãng tin Reuters.

Chính quyền Sydney thừa nhận họ "lo ngại" về một sự cố siêu lây nhiễm có thể bắt nguồn từ một thẩm mỹ viện có 3 nhân viên nhiễm bệnh. Ước tính có khoảng 900 khách đã đến thẩm mỹ viện này từ ngày 15 đến 23-6.

Số ca mắc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã tăng nhanh tại Sydney sau khi ghi nhận ca dương tính đầu tiên là một tài xế chở tiếp viên hàng không nước ngoài hồi giữa tuần trước.

Chính quyền bang New South Wales đã yêu cầu tiêm vắc xin COVID-19 cho các tài xế đưa đón nhân viên sân bay và phi hành đoàn ngay sau sự cố. Những người này cũng được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc.

Tốc độ lây lan nhanh của biến thể Delta là điều khiến giới chức Sydney lo ngại. Trong 22 ca nhiễm mới của ngày 25-6, có 19 ca liên quan tới các trường hợp đã biết và 3 ca đang điều tra dịch tễ.

Hiệp hội Y khoa Úc (AMA) kêu gọi phong tỏa hoàn toàn Sydney, thành phố lớn nhất nước Úc, vì cho rằng phong tỏa cục bộ là chưa đủ để khống chế biến thể Delta. Khoảng 1/5 dân số Úc đang sống tại Sydney.

Chủ tịch AMA Omar Khorshid kêu gọi Sydney rút kinh nghiệm từ thành phố Melbourne ở bang Victoria, cho rằng nếu Sydney để dịch mất kiểm soát, hậu quả có thể tồi tệ hơn con số 800 người chết như ở Melbourne.

Những gì xảy ra ở Sydney cho thấy tâm lý lo lắng của chính quyền và giới y tế trước biến thể Delta (ghi nhận lần đầu tiên tại Ấn Độ).

Tổ chức Y tế thế giới hôm 24-6 cảnh báo một biến thể phụ của biến thể Delta cũng đã xuất hiện và được đặt tên là Delta Plus. Ít nhất 11 quốc gia đã ghi nhận các trường hợp mắc Delta Plus, theo AFP.

Tại Israel, quốc gia tự hào với tỉ lệ tiêm chủng và sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech, sự xuất hiện của biến thể Delta cũng đang đe dọa các thành tựu chống dịch của nước này.

Bộ Y tế Israel ngày 25-6 đã khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang tại những nơi công cộng và có không gian kín. Động thái diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Israel ghi nhận hơn 100 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày.

Người đứng đầu lực lượng chống dịch của Israel, ông Nachman Ash, cho biết số ca nhiễm tăng vọt có liên quan đến biến thể Delta. "Chúng tôi đang hi vọng vắc xin sẽ giúp giảm số ca nhập viện vì bệnh nặng hoặc tử vong vì COVID-19", ông Ash nói với AFP.

Dự báo đến tháng 8 biến thể Delta bao trùm châu ÂuDự báo đến tháng 8 biến thể Delta bao trùm châu Âu

TTO - Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) dự báo đến tháng 8-2021, biến thể Delta sẽ gây ra 90% các ca mắc COVID-19 mới tại châu lục này và kêu gọi đẩy nhanh tiêm ngừa.

Nguồn bài viết