Đại diện báo Tuổi Trẻ trao sớm suất học bổng đặc biệt 15 triệu đồng cho Trần Thị Quỳnh Anh, lớp 12A12 Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cô tân sinh viên nghèo nuôi mẹ ốm liệt giường, tự tin bước vào giảng đường - Video: TVO
Ánh sáng tờ mờ của bóng đèn cũ vừa đủ cho hai người, đồ đạc lộn xộn ngổn ngang, chiếc giường tầng inox có mẹ ốm nằm liệt một chỗ, bàn học gỗ ván ép mối mọt, tủ nhôm mini gỉ sắt, gạo mắm và mớ rau úa vàng... là những gì có trong căn trọ 10m2 của bạn Trần Thị Quỳnh Anh, lớp 12A12 Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TP.HCM).
Quỳnh Anh là một học trò rất giản dị, mộc mạc, chân chất nhưng vô cùng nghị lực. Cô bé này quá đặc biệt với tôi và tất cả giáo viên trong trường.
Cô LÊ THỊ XUYẾN (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A12 Trường THPT Hàn Thuyên)
"Mình vẫn còn chạy được"
Quỳnh Anh luôn dẫn đầu bảng điểm của trường trung học, đang sắp sửa bước vào đại học.
Mẹ của Quỳnh Anh, chị Trần Thị Hà Chinh (58 tuổi), kể sau khi chia tay Hà Nội, hai mẹ con vào TP.HCM lập nghiệp rồi thuê căn trọ 2 triệu đồng/tháng, gần trường học, sát siêu thị nơi mẹ làm. Nhưng chưa được bao lâu, mẹ bạn đổ bệnh. "Mình sống ở đây được 3 năm. Căn phòng tạm bợ nhưng là nơi để mình bám trụ xây giấc mơ. Ngày mình đi học, chiều tối đi làm thêm và chăm mẹ", Quỳnh Anh nói.
Trường THPT Hàn Thuyên cách căn trọ chỉ 5 phút xe đạp. Mỗi ngày cô bé Hà thành đi học, tan trường thì chạy vội phục vụ quán ăn 80.000 đồng/ngày, tối về chăm mẹ, khuya lại "cày" đèn sách. Và thành tích "đổi" lại của Quỳnh Anh là thủ khoa của khối, của trường 3 năm THPT với tổng điểm đều trên 9,0.
Dịch bệnh ập xuống. "Hai tháng qua mình vừa tự học online khóa miễn phí, làm telesale (bán hàng qua điện thoại) cho một trung tâm dạy thêm, vừa chăm mẹ. 5% hoa hồng/sản phẩm nhưng vô số khách hàng mình chào mời đều từ chối. Mình không bỏ cuộc vì cần việc, cần tìm kiếm cơ hội", Quỳnh Anh chia sẻ.
Suốt mùa dịch, những bữa cơm "phong phú" từ mì tôm pha, mì xào khô hay ăn sống; những bữa cơm chỉ có nước mắm, nước tương vẫn không làm chùn đi sự lạc quan, hy vọng tìm việc, nghị lực sống của cô bí thư chi đoàn lớp 12A12.
"Ba tháng rồi mình nợ tiền phòng chưa đóng mặc dù đã được giảm. Số tiền đi làm thêm hai năm qua cũng đã hết, giờ chỉ còn 2 triệu đồng nhưng để dành đóng học phí. Mọi thứ rất khó khăn, một ngày trôi qua rất dài nhưng mình phải sống, phải làm, không thể để rảnh rang. Giờ chỉ mong hết dịch để đi làm, kiếm tiền học. Mình đã tham khảo mức phí đại học rồi, dưới 10 triệu đồng/năm. Mình vẫn còn chạy được", Quỳnh Anh nói.
Mọi nỗ lực sẽ có phần thưởng
Cô học trò đạt "3 tốt" của quận Phú Nhuận giãi bày: "Hai tháng qua mình vẫn miệt mài làm việc, tiền điện thoại tự bỏ ra mà chưa một khách hàng nào mua sản phẩm. Trông đợi sẽ có người mua hàng nên mình càng kiên nhẫn và khiêm nhường, hạ mình nói chuyện với khách. Nghề nào cũng cần điều này vì không ai thích nói chuyện với một người có cái tôi cao. Mục đích kiếm tiền trang trải, đi học, nên chỉ có thái độ tốt mới là cách giúp mình được việc".
Học giỏi, vươn lên trên hoàn cảnh nhưng Quỳnh Anh từ tốn trong từng câu chữ khi giao tiếp, khiêm tốn khi nói về thành tích. Cô bé nghĩ "mình chỉ tạm tạm" chia sẻ về những động lực: "Chăm chỉ thì sẽ học tốt, làm tốt. Mình nghĩ ai cũng làm được cả. Mọi nỗ lực sẽ có phần thưởng".
Nhiều lúc mẹ ốm, than phiền, Quỳnh Anh thừa nhận không muốn nghe những lời tiêu cực vì nó kéo tinh thần bạn xuống rất nhiều. "Mình sẽ đeo tai nghe vào hoặc làm cái khác để phấn chấn tinh thần lên, vì mất tinh thần thì rất là tệ. Có những lần mình nghe mẹ chia sẻ, có những thứ mẹ nói mà mình chưa đủ sức đề kháng để đối mặt với nó", Quỳnh Anh lấy tay chậm nước mắt nói.
Có lúc mỏi mệt, Quỳnh Anh từng ước tham gia cuộc thi rồi được giải. Nhưng bạn cũng cho rằng tiền rồi sẽ hết, chỉ có đi học mới tạo ra giá trị lâu dài. "Mình chỉ muốn học và đi thật nhiều để tạo ra giá trị cho chính mình" - Quỳnh Anh ao ước về giá trị bản thân mình sau này.
Trước mắt Quỳnh Anh tính chặng đường đến trường của mình bằng xe buýt, sáng đi chiều về, tối tranh thủ làm thêm nuôi mẹ, vươn lên với cuộc sống, với hành trình rong ruổi cho ước mơ dù biết chắc không mấy dễ dàng.
Tiếp sức đến trường trên ví MoMo
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ngay bây giờ, bạn đọc thể đồng hành, tiếp sức cùng các học sinh mồ côi và tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thông qua chương trình "Tiếp sức đến trường" - do báo Tuổi Trẻ phát động bằng cách đăng nhập trên ứng dụng MoMo, tại ô tìm kiếm nhập "Tiếp sức đến trường", nhập số tiền muốn quyên góp và "lời nhắn", sau đó chọn "quyên góp", "xác nhận".
Với thông điệp "Cùng Tuổi Trẻ vượt COVID đến giảng đường", Tiếp sức đến trường năm nay dự kiến hỗ trợ 1.000 suất học bổng cho các tân sinh viên trên 63 tỉnh thành khắp cả nước. Hoạt động thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" do báo Tuổi Trẻ sáng kiến và chủ trì.
Bạn cũng có thể đóng góp qua tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương (ViettinBank) chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên". Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Chương trình cũng tiếp nhận kinh phí, quà tặng, thiết bị học tập (máy tính, balô, tập sách, gói data...), phương tiện đi lại, chỗ trọ miễn phí... tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - ĐT: 028.39973838) hoặc văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại các khu vực.
Tân sinh viên và người giới thiệu có thể gửi hồ sơ học bổng tại đây: tiepsuc.tuoitre.vn
CÔNG TRIỆU
Video giới thiệu học bổng Tiếp sức đến trường 2021 - Video: TRẦN MẠNH