Startup Korona Board Game nhận sự hỗ trợ từ Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: M.VÕ
Dẫu vậy, không ít bạn đã linh động tìm giải pháp, "lội ngược dòng" an toàn.
Người vui mừng, kẻ trăn trở
5 tháng vừa qua là khoảng lặng "khó thể nào quên" với bạn Huỳnh Tấn Cảnh (CEO của Vinh Danh Education). Từng là cán bộ Đoàn đến từ một huyện vùng sâu, vùng xa và phải rất nỗ lực để hoàn thành bằng thạc sĩ tại Úc với học bổng toàn phần, Tấn Cảnh có tham vọng xây dựng một ứng dụng học ngoại ngữ giá rẻ cho những cá nhân thiếu cơ hội học, rất chật vật với tiếng Anh giống mình.
"Đang phát triển khá tốt thì đại dịch quay lại, khiến đội ngũ phải thay đổi rất nhiều thứ trong công việc, nhất là giai đoạn trong nhóm có bạn trở thành F0 khiến các hoạt động phải dừng lại gần hết", Tấn Cảnh nhớ lại.
Dẫu vậy, ứng dụng Riolish của bạn vẫn kịp chuyển đổi số, phát triển nền tảng giảng dạy trực tuyến hiệu quả và thời gian qua đã được Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM tin tưởng sử dụng cho các hoạt động giảng dạy tiếng Anh cho cán bộ Đoàn - Hội, bạn cũng được mời làm giám khảo cuộc thi hùng biện tiếng Anh do Hội Sinh viên thành phố tổ chức.
"Quãng thời gian giãn cách vừa qua vừa đầy thách thức nhưng cũng là giai đoạn đột phá nhất của chúng tôi khi quyết định tiến thẳng sang thị trường Mỹ. Thật sự thì trước dịch chúng tôi không đủ can đảm tấn công thị trường Mỹ một lần nữa vì mức độ rủi ro cao, nhưng khi dịch bệnh trong nước kéo dài thì việc tiến sang thị trường Mỹ - nơi COVID-19 đã được kiểm soát - là con đường duy nhất. Chúng tôi đã tuyển được nhiều tài năng trẻ từ khắp đất nước tham gia dự án và làm việc rất hiệu quả dù hoàn toàn qua online", đó là chia sẻ từ Võ Đức Minh (sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), gương mặt trẻ là đồng sáng lập trò chơi cờ bàn Korona Board Game từng đoạt giải quán quân cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC 2020.
Korona Board Game là một ứng dụng giáo dục kết hợp công nghệ AR (công nghệ thực tế ảo tăng cường) dành cho thiếu niên từ 6 - 12 tuổi mang thông điệp, kiến thức phòng tránh COVID-19.
Còn Trần Nguyễn Duy Tuấn, gương mặt khởi nghiệp từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín về khởi nghiệp trong nước lẫn quốc tế (giải nhất Bánh xe khởi nghiệp 2019), thừa nhận COVID-19 khiến startup trước đây của bạn thật sự "điêu đứng". Nhưng "cái khó ló cái khôn", bạn hiện đang thử nghiệm ý tưởng mới với tên gọi Coolbrace. Ứng dụng tuy chỉ mới ra đời vài tháng nhưng hiện đã gọi quỹ cộng đồng thành công và chuẩn bị ra mắt những lô hàng đầu tiên.
Sẽ hỗ trợ kết nối cố vấn, giảm chi phí vận hành
Chia sẻ về vấn đề trên, thạc sĩ Lê Nhật Quang (phó giám đốc Khu Công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM - ITP, giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG TP.HCM - IEC) cho biết ITP và IEC đã và đang có những chính sách hỗ trợ các startup từ môi trường đại học cũng như ngoài cộng đồng khởi nghiệp của thành phố.
"Các chương trình, chính sách hỗ trợ của chúng tôi được thực hiện xuyên suốt trong năm, vì vậy các bạn startup hoàn toàn có thể liên hệ nhờ hỗ trợ trên trang web hoặc các kênh truyền thông của ITP/IEC bất kỳ lúc nào. Cụ thể, chúng tôi hỗ trợ về cơ sở hạ tầng phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của startup, những gói tư vấn, khóa đào tạo kỹ năng cho các nhà sáng lập, hỗ trợ về hạ tầng công nghệ thông tin (như máy chủ ảo, chỗ đặt server, hosting, hay tư vấn về công nghệ hạ tầng phù hợp...) hoặc hỗ trợ kết nối", anh Nhật Quang cho biết.
Theo anh, hoạt động hỗ trợ kết nối startup với các nhà cố vấn (mentor), mạng lưới 40 nhà đầu tư thiên thần, 20 quỹ đầu tư, đối tác ở những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển như Singapore, Mỹ, Hàn Quốc... là yếu tố cốt lõi và quan trọng của chương trình, góp phần đảm bảo thành công của các startup.
Khi được hỏi về những chính sách, đề xuất hỗ trợ cụ thể cho startup trong đại dịch, anh Nhật Quang cho biết hiện tại có hai nhóm đối với các chương trình và chính sách hỗ trợ tại ITP/IEC.
"Đối với nhóm đối tượng đang được hỗ trợ, chúng tôi đề xuất và đưa ra chính sách hỗ trợ cấp thiết, thực tế cho các bạn như giảm chi phí sử dụng văn phòng làm việc, giảm các chi phí tiện ích khác, hỗ trợ giãn chi phí cho startup đến cuối năm, đẩy mạnh việc kết nối, hỗ trợ từ các nguồn của trung ương, địa phương. Một điều quan trọng nữa là ITP đã đảm bảo được người lao động, nhân sự của startup đến thời điểm hiện tại đều đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, phục vụ cho việc khôi phục hoạt động của startup", anh chia sẻ.
Còn đối với nhóm đối tượng chưa nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp ITP, anh cho biết các bạn có thể chủ động liên hệ để tham gia các chương trình hỗ trợ như đã nêu trên, và đây cũng là giải pháp thực tế, giảm thiểu chi phí cho các startup, giúp tái cấu trúc và tìm kiếm các cơ hội mới sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch.
Linh hoạt chuyển đổi để kịp thời tiếp sức startup
Theo chị Nguyễn Thị Diệu Hằng (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp - BSSC), BSSC hiện có nhiều chương trình từ lớn đến nhỏ hỗ trợ cho startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Từ năm 2019 đến nay, BSSC đã linh hoạt chuyển đổi các hình thức hỗ trợ để kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp trong đại dịch.
"Chẳng hạn chúng tôi đã chuyển đổi cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2021 qua hình thức online từ các khâu sơ tuyển đến chuỗi chương trình đào tạo chuyên sâu... Song song đó, sự kiện Vietnam Startup Day 2021 (nơi kết nối top 60 startup xuất sắc của Việt Nam với hơn 1.000 nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tập đoàn...) sẽ diễn ra hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến trong hai ngày 22-10 và 5-11", chị Diệu Hằng chia sẻ.
Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp vẫn liên tục tiếp sức tài chính cho SME ngay trong thời gian khó khăn của dịch bệnh, hàng trăm dự án đã được hỗ trợ.
Chương trình BSSC Mentor liên tục tổ chức các hoạt động cố vấn 1:1 với sự tham gia của nhiều CEO hỗ trợ từ tinh thần đến chuyên môn cho các doanh nghiệp trẻ.
Sắp tới, BSSC sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ươm tạo, cố vấn, hỗ trợ nguồn vốn, kết nối cơ hội kinh doanh, kêu gọi đầu tư cho startup và SME.