Một đám đông tuần hành về phía thủ đô Colombo của Sri Lanka ngày 19-4 - Ảnh: REUTERS
“Tôi vô cùng đau khổ sau thảm kịch ở Rambukkana. Tôi tin chắc rằng cuộc điều tra sẽ diễn ra nghiêm minh, không thiên vị", ông Rajapaksa viết trên Twitter ngày 20-4, nhắc đến sự việc diễn ra ở khu Rambukkana ở phía bắc thủ đô Colombo trước đó 1 ngày.
Tại cuộc biểu tình ở Rambukkana ngày 19-4, cảnh sát đã nổ súng vào đám đông khiến ít nhất 1 người chết và nhiều người bị thương. Đây là thương vong đầu tiên trong làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tuần qua tại Sri Lanka.
Bệnh viện địa phương Kegalle Teaching cho biết đã tiếp nhận 14 người bị thương và 1 người tử vong vì các vết thương nghi do đạn bắn.
Hãng tin Reuters dẫn lời người dân và quan chức Sri Lanka cho biết vụ nổ súng xảy ra khi người biểu tình chặn một đường ray xe lửa và ngăn một xe chở nhiên liệu băng qua đường ray này.
Bộ trưởng An ninh Prasanna Ranatunga của Sri Lanka giải thích rằng cảnh sát nổ súng khi đám đông tính đốt xe chở nhiên liệu. "Cảnh sát đã hành động đúng luật... Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều cuộc điều tra", ông Ranatunga nói.
Trong khi đó, một người dân tên Indika Priyantha Kumara khẳng định "đây 100% là trách nhiệm của cảnh sát".
Vụ đụng độ chết người diễn ra sau nhiều tuần người dân xuống đường biểu tình phản đối chính phủ do cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay. Quốc gia này hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại hối, nhiên liệu và các nguồn cung cấp thiết yếu khác cũng như lạm phát gia tăng.
Sri Lanka đang chờ sự hỗ trợ khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trong tuyên bố ngày 20-4, IMF cho biết chương trình cho vay khẩn cấp đang ở giai đoạn đầu và bất kỳ thỏa thuận nào đạt được cũng phải đảm bảo rằng nước này có thể đưa ra một lộ trình thanh toán nợ bền vững.
Sri Lanka đang tìm kiếm 3 tỉ USD trong những tháng tới từ nhiều nguồn, trong đó có IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ấn Độ để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.