Sri Lanka - thiên đường lâm nạn

2 năm trước 163
Sri Lanka - thiên đường lâm nạn - Ảnh 1.

Người biểu tình cầm theo quốc kỳ Sri Lanka khi leo nên nóc tòa nhà văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ở thủ đô Colombo ngày 13-7 - Ảnh: REUTERS

Tôi chắc là hầu hết mọi người đều đã biết và đã xem những đoạn video ấn tượng ghi lại cảnh những người dân Sri Lanka đổ ra đường biểu tình hôm chủ nhật vừa qua (10-7) tại thủ đô Colombo và những ngày sau đó. Tôi cũng như những người khác đã rất sốc trước sự sôi sục, giận dữ và quy mô của các cuộc biểu tình.

Tôi đã sống ở Việt Nam hơn một thập niên nhưng vì một số vấn đề visa nên đã có sáu tháng sống tại Sri Lanka, vậy nên đây là một vài ấn tượng của tôi về những gì đang diễn ra và những gì có thể xảy tới trong tương lai gần.

Với tôi, những câu chuyện về thời cuộc chính trị bắt đầu từ ngay chính ngôi nhà tôi chọn làm nơi lưu trú tại quốc gia này theo kiểu homestay. Ông Karum chủ nhà là người nói thành thạo tiếng Anh. Ông cũng từng là một hiệu trưởng có mối quan tâm đặc biệt tới chính trị, lịch sử cũng như thế giới. Những cuộc chuyện trò cuối ngày với ông luôn hấp dẫn và đầy gợi mở, rất nhiều điều ông giải thích cho tôi đã là một phần của bài viết này.

Ông Karum bảo với tôi người dân chỗ ông không thích cãi vã, đánh nhau và cũng không thích những cảnh ồn ào đông đúc dù các đám cưới của họ cũng tưng bừng náo nhiệt chẳng kém gì người Việt Nam! Nơi này là một thiên đường của cây xanh, vật nuôi khắp nơi, người dân im lặng rảo bước đưa con tới trường trong lúc các nông dân chậm rãi làm việc dưới cái nắng rát bỏng và độ ẩm cao, chuyện trò là một thú tiêu khiển tầm quốc gia!

Điều khiến cho phong trào biểu tình hiện nay trở nên đáng kinh ngạc là vì cường độ và sức mạnh của nó.

Cuộc sống đã từng rất tốt khi Sri Lanka có nguồn thu ổn từ trà và có thể tự cung đủ gạo trong nước. Tầng lớp trung lưu đã phát triển hơn nhờ hoạt động du lịch và kinh doanh với các nước khác.

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi trong 20 năm qua. Đã xảy ra cuộc nội chiến giữa những người Tamil và người Sinhalese, thảm họa sóng thần ngày 26-12-2004, quyết định thảm họa cấm phân bón hóa học và hai năm mùa vụ thất bát dẫn tới sụt giảm nguồn thu lớn từ lúa và trà, và hiện nay là cuộc khủng hoảng năng lượng, trong đó có khí đốt. Đó là chưa kể tới những khoản thất thoát nguồn thu rất lớn khi dịch COVID-19 hủy hoại ngành du lịch quốc tế của quốc đảo này, trong khi các ngành khác không tạo ra tiền.

Các nhà lãnh đạo mà người dân Sri Lanka muốn "lật đổ" lúc này từng một thời là những người anh hùng, nhưng một loạt những quyết định sai lầm và kỳ lạ của họ đã làm tăng thêm các rắc rối. Ông Karum nói về sự cay đắng khi mọi lời hứa đều bị nuốt trôi; những dự án nông nghiệp, các chương trình đào tạo và những kế hoạch năng lượng chưa bao giờ thành hiện thực. Và rồi nỗi chán nản mỗi ngày đó giờ đã bùng lên với tất cả những vấn đề của nó.

Khi tôi sống cùng gia đình họ tại Weiligama, một điểm du lịch nổi tiếng về lướt sóng ở bờ biển phía nam, tôi đã trải nghiệm điều này. Chúng tôi bị cúp điện gần như mỗi ngày, thường thì lâu tới 10 tiếng. Không điện, không quạt, không máy lạnh, không nước nóng, không thức khuya buổi đêm.

Nhiên liệu bị cắt giảm, người lái xe tuk-tuk cho tôi là Sujee phải gọi điện cho tôi thông báo ông ấy sẽ nhờ một tài xế khác tới chở tôi, vì ông ấy còn đang bận xếp hàng chờ mua xăng vài tiếng nữa hoặc lâu hơn.

Siêu thị gần chỗ tôi hết sạch sữa, bánh mì (nhưng còn nhiều bánh ngọt), đường và bất cứ hàng hóa nào cần phải vận chuyển tới, mọi người có thể phải chờ nhiều ngày nữa.

Nỗi mệt mỏi và giận dữ của bản thân tôi cũng tăng lên mỗi ngày, nhất là khi tôi chứng kiến những người bán hàng trái cây ở địa phương không thể mở cửa tiệm hàng ven đường của họ, khi những người lái xe tuk-tuk lúc này đã phải chờ mua xăng không phải nhiều giờ nữa mà là nhiều ngày, và hàng dài các bà mẹ xếp hàng chờ nhận phiếu ưu đãi mua xăng khiến tôi đau lòng và cảm thấy xấu hổ khi mình được sống ổn thỏa giữa tất cả những chuyện như vậy.

Khi mà hầu hết những chuyện này bắt nguồn từ sự sai lầm của lãnh đạo, bạn có thể hiểu rõ hơn vì sao người dân muốn tổng thống và gia đình ông ấy, trong đó có những người cũng đã điều hành các bộ ngành khác, phải ra đi.

Việc tổng thống không chịu từ chức càng đổ thêm dầu vào lửa nỗi giận dữ của người dân. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và gia đình ông rất giàu, việc này càng làm những người dân địa phương chán ghét ông ấy hơn khi họ không thể mua xăng (hiện có giá khoảng 4-5 USD/lít trên thị trường chợ đen), giá gas sinh hoạt cũng tăng gần gấp ba và lạm phát hiện đang ở mức khoảng 40%.

Sau khi cả tổng thống và thủ tướng Sri Lanka từ chức như đã tuyên bố, Sri Lanka sẽ cần một chính phủ mới. Việc này có tạo nên thay đổi gì không thì sẽ cần thời gian, và tôi không tin là người dân sẽ thỏa mãn với bất cứ điều gì cho tới khi đồng tiền nội tệ có thể mua được nhiên liệu và mua nhanh chóng. Không chỉ là nhiên liệu mà phân bón, lương thực cũng cần được nhập khẩu. Quốc gia này không còn có đủ lượng gạo tự sản xuất nữa. Có rất nhiều chuyện phải làm. Và không có gì đảm bảo cơn giận dữ của người dân không bùng lên lần nữa.

Ông Karum cũng băn khoăn như vậy. Việc đó sẽ tốn nhiều thời gian nhưng những người dân đã thức tỉnh trước nạn tham nhũng và quản lý kém đã nhận ra để thay đổi đất nước cần nhiều hơn việc có những con người mới trong chính phủ. Nhưng vẫn có hy vọng. Tôi có cảm tưởng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã không cấp cho Sri Lanka một hạn mức tín dụng cho tới khi nào các nhà lãnh đạo nước này ra đi vì nghi ngại khoản tiền đó có thể bị tuồn vào các túi tham, vậy nên giờ đây có thể điều đó sẽ thay đổi.

Sẽ không thể khắc phục nhanh chóng. Sẽ mất nhiều tháng để ổn định nguồn cung nhiên liệu, đưa việc cấp điện trở lại bình thường và hồi phục đủ lượng lương thực. Về lâu dài, Sri Lanka cần đa dạng hóa nền kinh tế của họ để bớt lệ thuộc hơn về thương mại du lịch, một lĩnh vực mà dịch COVID-19 cho chúng ta thấy đã suy sụp rất nhanh và hồi phục thì quá chậm chạp.

Tôi đã 64 còn ông Karum đã gần 70 tuổi - chúng tôi hiểu rằng tương lai sẽ là vấn đề chờ những người khác giải quyết. Một buổi tối yên ả ông Karum buồn bã nói về những gì sắp xảy ra với con gái và cháu ngoại của ông. Ông hy vọng Sri Lanka sẽ không lặp lại những sai lầm trong việc lựa chọn các nhà lãnh đạo kém cỏi và học hỏi các nước khác để cải thiện mọi thứ trong tương lai. "Chúng tôi có lương thực trong vườn nhà, thời tiết tuyệt đẹp, tại sao chúng tôi không thể có hòa bình và hạnh phúc?", ông chua chát nói.

Còn tôi, một người rồi sẽ sớm rời khỏi Sri Lanka, tôi vẫn không có câu trả lời rõ ràng cho điều đó và chỉ biết nói với ông "Chúc may mắn".

Sri Lanka - thiên đường lâm nạn - Ảnh 2.

Người biểu tình bên ngoài văn phòng Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe ở thủ đô Colombo, Sri Lanka ngày 13-7 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Sri Lanka đã tháo chạy sang Maldives

Sau khi đã ở nước ngoài, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa gọi điện thoại cho Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena để thông báo đơn từ chức của ông sẽ đến tay ông Abeywardena vào cuối ngày 13-7, theo Hãng tin Reuters.

Trước đó cùng ngày, không quân Sri Lanka xác nhận ông Rajapaksa cùng vợ và hai nhân viên an ninh đã sang tới Maldives trên một máy bay do lực lượng này cung cấp. Reuters dẫn nguồn tin từ Chính phủ Sri Lanka cho biết tổng thống Rajapaksa nói ông đang ở thủ đô Male của Maldives.

Sau khi tổng thống Sri Lanka tháo chạy, văn phòng Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì người biểu tình tiếp tục xông vào các văn phòng chính phủ. Một quan chức Sri Lanka nói ông Rajapaksa đã chỉ định ông Ranil Wickremesinghe làm quyền tổng thống. Quốc hội Sri Lanka dự tính bầu người thay thế ông Rajapaksa vào ngày 20-7.

ANH THƯ

Tổng thống tạm quyền Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốcTổng thống tạm quyền Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc

TTO - Dưới cương vị quyền tổng thống, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp, sau khi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa bỏ chạy sang Maldives sáng hôm nay 13-7.

Nguồn bài viết