Người biểu tình tránh hơi cay do cảnh sát sử dụng gần tư dinh của Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa trong cuộc biểu tình phản đối ông ở thủ đô Colombo (Sri Lanka) hôm 31-3, khi nhiều nơi đối mặt tình cảnh không có điện 13 giờ mỗi ngày do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu nhiên liệu - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, cảnh sát Sri Lanka cho biết lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào lúc hoàng hôn ngày 2-4 và sẽ được dỡ bỏ sáng 4-4 (giờ địa phương)
Trước đó, các cuộc biểu tình chống chính phủ được những người phản đối lên kế hoạch diễn ra trong khoảng thời gian này để phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men ngày càng trầm trọng.
Lệnh giới nghiêm được áp dụng một ngày sau khi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa ban bố tình trạng khẩn cấp do vụ tấn công bạo lực vào nhà riêng của ông. Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp là để "bảo vệ trật tự công cộng".
Trên mạng xã hội, nhiều tài khoản đăng bài kêu gọi biểu tình vào ngày 3-4. Trong đó, một bài khuyến khích người dân biểu tình ngay cả khi cảnh sát tìm cách dẹp các cuộc tụ tập, với nội dung: "Đừng lùi bước trước hơi cay".
Bà Julie Chung, đại sứ Mỹ tại Sri Lanka, nói người dân Sri Lanka có quyền xuống đường biểu tình ôn hòa.
"Tôi đang theo dõi tình hình chặt chẽ và hy vọng những ngày tới tất cả các bên sẽ kiềm chế. Tôi cũng hy vọng sẽ có sự ổn định kinh tế và cứu trợ cần thiết dành cho những người gặp khó khăn" - bà Julie Chung viết trên Twitter.
Theo Hãng tin Reuters, hàng trăm luật sư đã thúc giục Tổng thống Gotabaya Rajapaksa thu hồi tình trạng khẩn cấp. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp trao quyền lực nhiều hơn cho lực lượng an ninh nước này, làm dấy lên lo ngại về việc chính quyền của ông sẽ xử lý mạnh tay đối với các cuộc biểu tình.
Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng bất ổn do thiếu nhiên liệu và hàng hóa khi đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế.
Đảo quốc 22 triệu dân ở Ấn Độ Dương đang phải vật lộn với tình trạng mất điện liên tục tới 13 giờ mỗi ngày khi chính phủ thiếu ngoại tệ trầm trọng để thanh toán cho nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu khác.
Sri Lanka đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng từ tháng 3-2020 nhằm tích trữ ngoại tệ để trả khoản nợ nước ngoài 51 tỉ USD.