Sóc Trăng đề nghị Cần Thơ 'chủ xị' liên kết, vì sao 2 tháng Cần Thơ chưa làm?

3 năm trước 234
Sóc Trăng đề nghị Cần Thơ chủ xị liên kết, vì sao 2 tháng Cần Thơ chưa làm? - Ảnh 1.

Hoạt động xét nghiệm, phòng chống dịch COVID-19 tại TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ngày 11-10, văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại TP Cần Thơ nhận được công văn của Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ phúc đáp về câu hỏi của phóng viên vì sao 2 tháng qua TP này vẫn chưa "chủ xị" hội nghị liên kết, hợp tác theo đề nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng.

Theo trình bày của Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ, ngày 10-8, UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản đề xuất 7 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau liên kết, phối hợp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, đồng thời đề xuất UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến.

Đến ngày 22-9, tức gần một tháng rưỡi sau đó, UBND TP Cần Thơ có công văn gửi các tỉnh để thống nhất tổ chức hội nghị trực tuyến và có phân công các sở, ngành phối hợp chuẩn bị các nội dung tổ chức hội nghị.

Theo chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, sở đã tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị và dự thảo chương trình liên kết, phối hợp giữa các tỉnh, TP khu vực Nam sông Hậu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế gửi sở kế hoạch - đầu tư các tỉnh nghiên cứu, tham mưu UBND các tỉnh này có ý kiến góp ý cho dự thảo.

Ngày 6-10, Sở Kế hoạch - đầu tư có công văn trình UBND TP Cần Thơ các nội dung tổ chức hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế, trong đó đề xuất thời gian tổ chức là 1 buổi, do thường trực UBND TP bố trí.

Liên kết, hợp tác 6 nội dung

Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ cho biết các địa phương thống nhất đưa vào dự thảo 6 nội dung liên kết, phối hợp gồm: y tế, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, thông tin truyền thông, giao thông vận tải và lao động - việc làm.

Mục tiêu chung của chương trình là nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp về bảo đảm sức khỏe người dân của các địa phương trong bối cảnh dịch COVID-19; ổn định chuỗi cung ứng các tỉnh, TP trong khu vực Nam sông Hậu và các khu vực lân cận, nhất là các loại hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; tạo thuận lợi cho việc di chuyển an toàn, trật tự của người lao động.

Cuối cùng là thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương về an toàn giao thông, đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Thêm nhiều ca mắc COVID-19 từ dòng người về miền TâyThêm nhiều ca mắc COVID-19 từ dòng người về miền Tây

TTO - Trong ngày 4-10, nhiều người dân từ TP.HCM và các tỉnh lân cận tiếp tục đổ về quê miền Tây. Rất nhiều ca mắc COVID-19 được ghi nhận trong số này.

Nguồn bài viết