SoftBank triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt của SenseTime ở Nhật Bản

3 năm trước 282

Theo Nikkei, trong một thử nghiệm bắt đầu từ ngày 15.12, ba cửa hàng bánh hamburger Wendy's ở Tokyo sẽ cho phép người dùng thanh toán đơn hàng bằng hệ thống được hỗ trợ bởi công nghệ nhận dạng khuôn mặt SenseTime, được cấp phép cho một công ty con của đơn vị di động SoftBank.

SoftBank triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt của SenseTime ở Nhật Bản - ảnh 1

Ba cửa hàng bánh hamburger Wendy's áp dụng hệ thống thanh toán sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của SenseTime

chụp màn hình Yuki Kohara/Nikkei

SenseTime đã lên kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông vào ngày 17.12. Tuy nhiên, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), nhằm huy động 767 triệu USD, buộc phải tạm dừng vào ngày 13.12, sau khi Mỹ đưa SenseTime vào danh sách đen đầu tư trong động thái trừng phạt tiếp theo dành cho công ty.

SoftBank là cổ đông lớn thứ hai của SenseTime, với quỹ Vision Fund nắm giữ 14,9% cổ phần. Không giống như các công ty Mỹ trước đó đã ủng hộ SenseTime, SoftBank vẫn đầu tư vào hãng AI Trung Quốc ngay cả khi Washington lần đầu tiên trừng phạt công ty vào năm 2019. Tập đoàn Nhật Bản đã đưa 235 triệu USD trong các vòng tài trợ hai năm tới cho SenseTime thông qua Vision Fund. Bên cạnh đó, Japan Computer Vision (JCV), công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của SoftBank Corp, đã triển khai thuật toán của SenseTime trên khắp Nhật Bản để quét khuôn mặt và nhiệt độ cơ thể tại các nhà hàng, phòng tập thể dục, văn phòng.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với SenseTime xuất phát từ cáo buộc công nghệ nhận dạng khuôn mặt của hãng này được sử dụng để xác định và áp bức dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở khu vực biên giới Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc. SenseTime đã phản bác vào hôm 11.12, gọi đó là các cáo buộc “vô căn cứ”. Trong bản cáo bạch IPO, SenseTime cho biết lệnh trừng phạt năm 2019 chỉ được áp dụng cho công ty con Beijing SenseTime chứ không phải các bộ phận khác của tập đoàn.

Theo một đại diện của JCV, Danh sách Thực thể của Mỹ không giới hạn các công ty ở Mỹ hoặc Nhật Bản sử dụng công nghệ của SenseTime. Người này nói thêm rằng, thông tin khách hàng do JCV thu thập được lưu trữ trong máy chủ ở Nhật Bản, không được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc. SenseTime là đối tác công nghệ. Công việc kinh doanh và giải pháp được phát triển, vận hành bởi JCV.

Theo bản cáo bạch của SenseTime, nhà phân phối của JCV đã tạo ra doanh thu 164,4 triệu nhân dân tệ (khoảng 25,82 triệu USD) vào năm ngoái. Tập đoàn SoftBank chiếm 187,9 triệu nhân dân tệ trong tổng doanh thu hằng năm của SenseTime, tương đương 5,5% tổng doanh thu. SenseTime cho biết JCV đã ký được “ngày càng nhiều khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn và uy tín” từ các ngành bao gồm bán lẻ, xây dựng, hậu cần, vận tải công cộng và dược phẩm.

Cách SoftBank hỗ trợ các công ty công nghệ nước ngoài

Trường hợp SenseTime là ví dụ cho thấy cách SoftBank hỗ trợ các công ty công nghệ nước ngoài, cả với tư cách là nhà đầu tư và đối tác kinh doanh. Tập đoàn viễn thông Nhật Bản cũng thực hiện thỏa thuận tương tự cho các công ty khác nằm trong danh mục đầu tư, bao gồm nhà điều hành không gian làm việc chung của Mỹ WeWork và tập đoàn khách sạn Ấn Độ Oyo.

Được thành lập vào năm 2014, SenseTime đã trở thành một trong những công ty nhận dạng khuôn mặt hàng đầu thế giới. Các thuật toán AI của công ty giành được điểm số cao nhất về độ chính xác trong bài kiểm tra do Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ thực hiện. Ngoài việc nhận dạng khuôn mặt, hệ thống có thể đọc biểu hiện trên khuôn mặt, cử chỉ và nhiệt độ cơ thể.

Năm 2018, Vision Fund của SoftBank chi 754,29 triệu USD cho SenseTime, giúp công ty Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Tháng 8.2019, SenseTime cấp cho JCV quyền nhập khẩu, phân phối và bán các sản phẩm phần cứng, phần mềm tại Nhật Bản. Hiện sản phẩm dựa trên công nghệ đám mây của JCV có thể lưu trữ dữ liệu khuôn mặt của tối đa 20 triệu người.

Nguồn bài viết