Sinh nhật lần thứ 15, BTC ‘thổi nến’ tăng trưởng?
Phân tích dữ liệu
Ngày 03/01/2009 đánh dấu một sự kiện trọng đại khi một nhân vật bí ẩn có tên Satoshi Nakamoto đã khai thác block đầu tiên trong Blockchain Bitcoin. Khi đó, giá Bitcoin chưa đạt tới 1 xu Mỹ. Khó có thể tin rằng, sự kiện này đã khởi đầu cho một thị trường hoàn toàn mới và mở ra một bản đồ chưa ai khám phá trên thị trường tài chính hiện có giá trị hàng ngàn tỷ USD.
Một trong những “món quà” chuẩn bị dành tặng cho BTC nhân dịp này có thể sẽ là việc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) phê duyệt đơn đăng ký quỹ ETF bitcoin giao ngay cho một số tổ chức tài chính đã đăng ký, dự kiến sẽ được đưa ra vào ngày mai. Từ đây, có thể đánh dấu bước ngoặt mới cho không chỉ riêng Bitcoin mà còn cả thị trường crypto nói chung.
Thêm vào đó là sự kiện diễn ra bốn năm một lần: "Halving" Bitcoin - cơ bản sẽ làm cắt giảm một nửa phần thưởng của các thợ đào. Điều này giúp duy trì giới hạn nguồn cung 21 triệu đơn vị. Ở các chu kỳ trước đó, "halving" thường đi kèm đợt Bitcoin tăng giá rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, lần kỷ niệm sinh nhật này không phải chỉ có những điều tích cực. Thị trường gần đây xuất hiện một số tin đồn cho rằng SEC “quay xe” từ chối các đơn đăng ký cấp giấy phép ETF khiến giá trị của đồng tiền này ngay lập tức bốc hơi khoảng 50 tỷ USD và cũng khiến nhiều đồng tiền ảo khác rơi rụng theo. Điều này đặt ra câu hỏi rằng: liệu các tin tức tốt đã được thị trường hấp thu xong và động lực tăng giá đã không còn?
Phân tích biểu đồ BITCOIN khung thời gian D1
Giá của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã tăng trưởng vượt bậc trong năm vừa qua, riêng quý 4/2023 đã sở hữu mức tăng đáng tự hào lên đến hơn 80% khi đón nhận loạt tin tốt như SEC sớm phê duyệt ETF và sự kiện halving. Khởi đầu năm 2024, BTC cũng đánh dấu mức đỉnh mới ở mốc 45.800 USD vào trước ngày sinh nhật lần thứ 15.
Dù vậy, liệu cú rơi 10% đúng ngày sinh nhật của BTC có phải đang đánh dấu cho một đợt chốt lời khi chúng ta chưa chứng kiến một sự điều chỉnh nào thực sự đáng kể? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi giá đã chạm gần đến khu vực kháng cự được đáng giá là “cứng” nhất ở khoảng 46.000-48.000 USD kể từ khi vượt mốc 30.000 USD.
Chỉ báo RSI cũng cho thấy sự phân kỳ rõ ràng - một tín hiệu đảo chiều đáng chú ý khi giá đến vùng cản quan trọng. Đặt biệt là khi trendline tăng tính từ đáy 25.000 đang có dấu hiệu suy yếu, nếu “gãy” có thể khiến áp lực bán tăng cao từ đó đẩy giá về hỗ trợ tiềm năng 40.000 thậm chí sâu hơn.