Singapore sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về tiếp cận vắc xin, kinh tế số

3 năm trước 261
Singapore sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về tiếp cận vắc xin, kinh tế số - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan tại lễ đón ở Hà Nội ngày 21-6 - Ảnh: TTXVN

Đây là những nội dung chính trong chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) của Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan.

ASEM diễn ra từ ngày 20 tới 23-6, và trong sáng 21-6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Ngoại trưởng Balakrishnan.

Đánh giá cao thành công của Việt Nam trong mục tiêu kép (vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội), Ngoại trưởng Singapore Balakrishnan khẳng định Singapore luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác hiệu quả với Việt Nam.

Ông cũng khẳng định Singapore sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong tiếp cận nguồn vắc xin, kỹ thuật áp dụng công nghệ cao trong truy vết, xét nghiệm nhanh.

Ngoại trưởng Balakrishnan nhất trí thúc đẩy lập Nhóm Công tác xây dựng Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ vắc xin.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chuyến thăm của Ngoại trưởng Balakrishnan có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện quyết tâm của hai bên trong thúc đẩy triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore.

Hai bộ trưởng nhất trí về một số biện pháp cụ thể tăng cường tham vấn giữa hai Bộ Ngoại giao, nhất là về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Hướng tới phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch, hai Bộ trưởng khẳng định cần triển khai hiệu quả Hiệp định kết nối Kinh tế Việt Nam - Singapore.

Ngoài ra, Việt Nam và Singapore cần các sáng kiến hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh như logistics, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thực phẩm chế biến...

"Để đảm bảo thương mại hai nước phát triển cân bằng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Singapore mở cửa thị trường với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như sản phẩm nông, lâm, thủy sản, dệt may, giầy dép... tăng cường liên kết hợp tác theo chuỗi trong sản xuất...", thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu.

Khẳng định kinh tế số là một trong những động lực phát triển quan trọng của các quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hai Bộ trưởng nhất trí thúc đẩy sớm lập Nhóm Công tác kỹ thuật về nền tảng cho đối tác số, hướng tới một thỏa thuận song phương về kinh tế số.

Hai Bộ trưởng đã trao đổi sâu về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế và khu vực, cũng như trong quá trình phê chuẩn và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và RCEP.

Về tình hình Biển Đông, hai bên nhất trí đề cao hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tuân thủ Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Hai bên đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với UNCLOS 1982.

Chiều ngày 21/6/2021, dự kiến Ngoại trưởng Balakrishnan sẽ có các cuộc chào xã giao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (Asia - Europe Meeting - gọi tắt ASEM) là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên ASEM, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Ban thư ký ASEAN.

ASEM được thành lập cách đây 25 năm (3-1996) theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Ngày nay, số thành viên của ASEM đã tăng gấp đôi, từ 26 lên 53 thành viên, trong đó có 22 thành viên châu Á và 31 thành viên châu Âu.

Chiếm khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu, ASEM đặt mục tiêu tạo dựng một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa châu Á và châu Âu vì "sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và "tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng".

 Thử thách tuổi 30ASEAN - Trung Quốc: Thử thách tuổi 30

TTO - Ở tuổi 30, mối quan hệ giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đứng trước những bước ngoặt.

Nguồn bài viết