Shipper mùa dịch: Có việc làm đã là hạnh phúc

3 năm trước 1139
 Có việc làm đã là hạnh phúc - Ảnh 1.

Những gói hàng được đưa đến tay khách đều được anh Sơn xịt khử khuẩn - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Tạm quên đi những áp lực của dịch bệnh, họ ra đường với mong muốn sao cho từng kệ hàng, gói thực phẩm đến được tay người dùng sớm nhất.

Đánh đổi nhiều nhưng thu nhập vẫn thế

Theo quy định, tài xế giao hàng được đi lại hoạt động trong đợt thực hiện giãn cách xã hội lần này tại TP.HCM. Tuy nhiên, tài xế giao hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và giấy thông hành qua ứng dụng.

Bắt đầu mở app từ sáng sớm, thế nhưng đến giữa trưa tài xế công nghệ Triệu Hoàng Phúc (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, quê Đắk Nông) mới chỉ nhận được 5 đơn hàng. Đa phần các đơn hàng của anh Phúc đều là vận chuyển thực phẩm, rau củ quả đến cho các hộ gia đình.

Anh Phúc trước đó làm nghề phục vụ quán karaoke, nhưng vì dịch bệnh, quán đóng cửa nên chọn đi giao hàng để kiếm tiền trang trải suốt hai tháng nay.

Trước kia hàng quán còn mở bán mang đi thì còn giao đồ ăn được mỗi ngày 400.000 đồng, chứ sáng giờ được có 120.000 đồng. Do có nhiều tài xế chở khách chuyển sang chở hàng, chia đơn cho nhau nên còn ít.

Tài xế công nghệ Triệu Hoàng Phúc

Vốn chỉ chuyên làm tài xế giao các loại thức ăn, đồ uống, thế nhưng khi hàng quán ế ẩm, anh Lê Sơn (35 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) chuyển sang làm tài xế giao hàng hơn 1 tháng nay với mong ước tăng thêm chút ít thu nhập.

Để bảo vệ mình trước dịch bệnh, ngoài khẩu trang, giữ khoảng cách với khách hàng, một bình xịt cồn sát khuẩn là thứ luôn "kề kề" bên anh Sơn. Sát khuẩn tay của mình, tay của khách hàng, sát khuẩn gói hàng... là cách mà anh Sơn nói sẽ giúp bản thân thêm an tâm hơn.

Hơn 5 giờ mở app, thế nhưng anh Sơn cũng chỉ thu lại được 4 đơn. Anh kể khi chưa có dịch, nếu chạy từ sáng sớm tới tối cũng được 600.000 đồng, thậm chí gần 1 triệu đồng "vô tư".

"Giờ chạy được bằng nửa trước kia đôi khi cũng khó, nhưng dịch bệnh thế này còn có việc làm đã là hạnh phúc rồi" - anh Sơn nói.

 Có việc làm đã là hạnh phúc - Ảnh 3.

Tài xế Nguyễn Văn Mãnh với cuốc hàng đi huyện Hóc Môn - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Những kế hoạch dang dở

Nỗi lo về dịch bệnh hiện rõ trên khuôn mặt đen xạm của anh Nguyễn Văn Mãnh (26 tuổi, ngụ quận Tân Phú). Thế nhưng vì gia đình, vì vợ trước đó làm công nhân may nhưng nay đang thất nghiệp nên anh Mãnh nói rằng phải "liều mình kiếm cái ăn".

Từ 6h sáng đến hơn 14h, anh nhận được 6 cuốc hàng. Nhờ nhận được nhiều cuốc hàng đi xa nên trừ tiền xăng, anh Mãnh cũng bỏ túi được gần 200.000 đồng.

Nghề chạy xe liên tục nên bất kỳ đâu cũng là nơi để cánh anh em shipper ngả lưng, ăn uống. Ngồi bệt xuống đất trước một cửa hàng giày đã đóng cửa trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú), anh Triệu Hoàng Phúc húp liền tô phở đã nát mua từ sáng.

Vì hàng quán bán thức ăn đa phần đã đóng cửa, anh Phúc phải chuẩn bị đồ ăn cho bữa trưa từ sáng ở nhà. Khó khăn bủa vây, kế hoạch vun đắp cho mình một gia đình hạnh phúc của anh Phúc với cô bạn gái cùng chỗ làm cũng đành bỏ ngỏ. "Khi nào hết dịch, đi làm có tiền thì cưới thôi, bả cũng đang thất nghiệp nằm ở nhà đó" - anh Phúc tâm sự.

 Có việc làm đã là hạnh phúc - Ảnh 4.

Những bữa ăn vội của tài xế công nghệ Triệu Hoàng Phúc trước một cửa hàng giày đã đóng cửa, vắng người - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Dưới một góc cây trên đường Tân Sơn Nhì của quận Tân Bình, ông Mai Xuân Yên (50 tuổi, quê Nam Định, lái xe ba gác) đưa đôi mắt buồn nhìn dòng xe ít ỏi qua lại. Đã vài ngày qua, ông Yên không chạy một chuyến xe nào.

Không kiếm ra tiền, thế nhưng tiền phòng trọ, điện nước, tiền ăn uống của ông, tiền ăn học của con gái ở Hà Nội thì vẫn phải có. Phòng trọ nóng, lại sợ tốn tiền điện nên ông Yên chẳng dám về phòng và hầu như cả ngày chỉ ở ngoài đường.

Những ngày hết tiền, ông đành đi tìm những bàn cơm miễn phí để xin. Kế hoạch về quê thăm vợ con của ông Yên đành bỏ ngỏ khi dịch bệnh ập tới.

"Bình thường ế lắm ngày cũng hai cuốc, chứ đến nay thì đã mấy ngày liền không có cuốc nào. Nghề của mình thì phải bám thôi, lỡ có người cần thì mình chạy, vừa có tiền, vừa giúp được người ta" - ông Yên cười nói.

 Có việc làm đã là hạnh phúc - Ảnh 5.

Lau chùi cho gia sản hơn 30 triệu đồng của mình là việc ông Yên làm để bận rộn hơn trong những ngày ế ẩm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

 Có việc làm đã là hạnh phúc - Ảnh 6.

Ế ẩm khiến ông Yên móc luôn võng vào xe để nằm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Tặng 5.500 phiếu mua hàng Tặng 5.500 phiếu mua hàng 'siêu thị 0 đồng' cho sinh viên ở TP.HCM

TTO - 5.500 sinh viên đang ở trong ký túc xá các trường đại học tại TP.HCM đã được khảo sát, phát phiếu mua hàng trị giá 300.000 đồng bắt đầu từ ngày mai 13-7.

Nguồn bài viết