Seoul: Từ siêu đô thị thông minh đến thành phố metaverse

2 năm trước 294

Tháng 11.2021, chính quyền thủ đô Seoul (Hàn Quốc) đã công bố kế hoạch phát triển một nền tảng tổng hợp để tiến hành các dịch vụ công như du lịch, giáo dục, trải nghiệm văn hóa và các dịch vụ dân sự. Đây là lần đầu tiên metaverse được công bố như một sáng kiến ​​thành phố thông minh.

 Từ siêu đô thị thông minh đến thành phố metaverse - ảnh 1

Seoul tiên phong sáng kiến thành phố metaverse

SHUTTERSTOCK

Tòa thị chính, không gian tài chính ảo

Theo kế hoạch Metaverse Seoul, chính quyền Seoul sẽ mở cửa "Trung tâm Metaverse 120" (tên dự kiến) - một trung tâm hành chính công ảo - trong năm 2023. Ở đây, các viên chức công vụ trong môi trường metaverse sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn và giải quyết các vấn đề dân sự - những điều mà từ trước đến giờ vẫn phải đến trực tiếp tại Tòa thị chính thành phố.

Không những vậy, một số không gian ảo phục vụ các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ tài chính (fintech)… cũng được hình thành.

Xây dựng các địa điểm du lịch, lễ hội trên metaverse

Bên cạnh hình thành các không gian ảo phục vụ hành chính công và phát triển kinh tế - tài chính, kế hoạch Metaverse Seoul còn xây dựng một số điểm du lịch, di tích lịch sử nổi tiếng tại Seoul trên nền tảng metaverse.

Các địa điểm có thể kể đến như quảng trường Gwanghwamun, cung điện Deoksugung, chợ Namdaemun…, hay thậm chí là công trình lịch sử đã mất như cổng Donuimun - một trong bốn cổng nhỏ vào Hán Thành, đã bị phá hủy vào năm 1915.

 Từ siêu đô thị thông minh đến thành phố metaverse - ảnh 2

Quảng trường Gwanghwamun và nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng sẽ có trên Metaverse Seoul

H.ĐẠT

Ngoài ra, các lễ hội văn hóa tiêu biểu của thủ đô Seoul sẽ được tổ chức trên Metaverse Seoul.

Trong thời khắc giao thừa năm 2022 vừa qua, lễ hội rung chuông chào năm mới Bosingak được tổ chức đồng thời trên nền tảng số. Không chỉ mang tính chất thử nghiệm, việc đưa Bosingak lên metaverse còn giúp hạn chế tụ tập đông người trong tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Seoul lúc đó.

Bắt đầu từ 2023, nhiều lễ hội văn hóa tiêu biểu khác của Seoul cũng sẽ được tổ chức trên Metaverse Seoul.

"Metaverse" là gì mà Facebook sẵn sàng đổi tên để theo đuổi?

Nhiều cơ hội, nhưng vẫn còn những thách thức

Không dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề hành chính công trên không gian ảo, Metaverse Seoul còn mở ra nhiều cơ hội để quảng bá rộng rãi hình ảnh, văn hóa và con người xứ sở kim chi ra quốc tế nhờ tiếp cận với các du khách trên không gian ảo.

Tuy vậy, thành phố metaverse sẽ phải đối mặt với một số thách thức nhất định. Với giá bán vào khoảng 300 - 600 USD và độ phổ biến chưa cao, các thiết bị thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) sẽ cần thêm một vài năm nữa để trở nên thông dụng hơn.

Bên cạnh đó, tính bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư cũng là những vấn đề đáng quan ngại, đòi hỏi cơ chế rõ ràng để đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian ảo.

Nguồn bài viết