SenseTime hoãn IPO vì lệnh trừng phạt của Mỹ

2 năm trước 290

Theo Nikkei, SenseTime Group hôm 13.12 quyết định hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông, sau khi bị chính quyền Mỹ thêm vào danh sách đen đầu tư. Dựa trên kế hoạch ban đầu, SenseTime sẽ định giá đợt chào bán cổ phiếu vào ngày 10.12, nhưng điều này đã không thể thực hiện được vì ngay đêm trước đó Mỹ bất ngờ đưa ra lệnh trừng phạt đối với công ty.

Cụ thể, Washington cáo buộc các công nghệ của SenseTime đã được dùng để tạo điều kiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi có nguồn gốc ở khu vực biên giới Tân Cương, phía tây bắc Trung Quốc. SenseTime hôm 11.12 phản bác quyết định của Mỹ, nói rằng “đó là điều vô căn cứ và phản ánh sự hiểu lầm cơ bản về công ty chúng tôi”.

SenseTime hoãn IPO vì lệnh trừng phạt của Mỹ - ảnh 1
Văn phòng SenseTime Group, công ty trí tuệ nhân tạo lớn nhất Trung Quốc, ở Thượng Hải

Reuters

SenseTime hôm qua cho biết sẽ cập nhật bản cáo bạch và khôi phục việc bán cổ phiếu, nhưng trước tiên sẽ hoàn lại các khoản thanh toán mà công ty đã nhận cho đơn đặt hàng cổ phiếu từ các nhà đầu tư bán lẻ vào tuần trước. “Công ty vẫn cam kết hoàn thành việc chào bán toàn cầu và sẽ niêm yết sớm”, SenseTime nói trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông.

Được biết, hãng AI lớn nhất Trung Quốc đã làm việc với các cố vấn về kế hoạch IPO từ năm 2019. Vòng trừng phạt trước đó của Mỹ đã khiến SenseTime phải điều chỉnh lại những nỗ lực đầu tiên, sau đó công ty tiến hành lộ trình IPO trên sàn giao dịch Hồng Kông vào đầu năm nay, với mục tiêu tăng từ 1,5 tỉ USD lên 2 tỉ USD.

Theo quy định của Bộ Tài chính Mỹ, lệnh trừng phạt mới nhất phân loại SenseTime là “công ty liên hợp công nghiệp - quân sự của Trung Quốc”. Các nhà đầu tư Mỹ bị cấm mua cổ phiếu giao dịch công khai của bất kỳ công ty nào nằm trong danh sách đen đầu tư, và được yêu cầu thoái vốn khỏi các công ty đó trước tháng 6.2022.

Theo Nikke, những công ty Mỹ ủng hộ SenseTime bao gồm nhà sản xuất chip Qualcomm, tập đoàn cổ phần tư nhân Silver Lake Partners, tập đoàn liên doanh IDG Capital và tập đoàn quỹ tương hỗ Fidelity International. Các nhà đầu tư quốc tế khác có tên trong bản cáo bạch của SenseTime bao gồm tập đoàn SoftBank Group của Nhật Bản và nhà quản lý quỹ Mirae Asset Financial Group của Hàn Quốc.

Còn tại Trung Quốc, SenseTime được hỗ trợ bởi Alibaba Group Holding, nhà phát triển AI iFlytek, nhà bán lẻ điện tử Gome Retail Holdings, ngân hàng đầu tư China International Capital, Dajia Insurance, CDH Investments, nhà quản lý đầu tư Primavera Capital Group và một số quỹ nhà nước. Chín nhà đầu tư nền tảng, chủ yếu là các quỹ nhà nước của Trung Quốc, đã cam kết mua tới 450 triệu USD giá trị cổ phiếu IPO, chiếm phần lớn trong đợt chào bán của SenseTime.

SenseTime ghi nhận khoản lỗ 3,71 tỉ nhân dân tệ (khoảng 583 triệu USD) trên doanh thu 1,65 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm 2021. SenseTime thành lập vào năm 2014, được biết đến nhiều nhất với công nghệ nhận dạng khuôn mặt sử dụng rộng rãi trong mạng lưới giám sát của Trung Quốc. Công ty tạo ra doanh thu chủ yếu từ phí bản quyền phần mềm, hệ thống nhúng, dịch vụ nghiên cứu - phát triển, sản phẩm cài đặt sẵn bán cho các nhà sản xuất ô tô và dịch vụ đám mây dựa trên đăng ký. Khách hàng của SenseTime bao gồm China Mobile, Huawei Technologies, Xiaomi, Vivo và Daimler của Đức.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ hôm 10.12, công ty con Shenzhen SenseTime Technology đã “phát triển các chương trình nhận dạng khuôn mặt có thể xác định dân tộc mục tiêu, đặc biệt tập trung vào xác định dân tộc Duy Ngô Nhĩ”.

Nguồn bài viết