Khi có cảng Liên Chiểu, cảng Tiên Sa sẽ bớt dần vai trò vận chuyển hàng hóa. Đến sau năm 2030 thì chuyển sang là cảng biển du lịch - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trong buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng, Bộ GTVT đề xuất thống nhất quan điểm khi cảng Liên Chiểu chưa đưa vào khai thác thì cảng Tiên Sa là cảng biển chính với giới hạn hàng khoảng 10 triệu tấn/năm.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, bộ đề nghị Đà Nẵng tăng cường giờ hoạt động của các phương tiện ra vào TP (tuyến đường Yết Kiêu, Ngô Quyền) trong bối cảnh dịch COVID khiến lượng du khách giảm.
Khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động thì cảng Tiên Sa giữ nguyên công suất, ưu tiên các loại hàng hóa tinh gọn, sạch trong container và tiếp nhận tàu khách quốc tế.
Trước một số kiến nghị của các đơn vị về việc khảo sát tuyến đường thủy để thoát hàng trên sông nhằm vừa nâng cao công suất cảng vừa hạn chế hàng lưu thông đường bộ vào nội ô, đại diện TP Đà Nẵng cho biết quy hoạch của TP không khuyến khích phát triển vận tải hàng hóa trên hệ thống đường thủy nội địa.
Ông Lê Thành Hưng, phó giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, cho biết tuyến đường thủy nội địa được quy hoạch cảnh quan và phát triển du lịch đường sông. Đồng thời cho biết trong thời gian tới sẽ hoàn thành việc cải tạo tuyến đường từ cảng Tiên Sa đi ra các tuyến quốc lộ để giảm thiểu nguy cơ tai nạn.
Ông Hưng cho biết trong trường hợp cảng biển Liên Chiểu hình thành, sẽ dần chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, trong đó từ sau năm 2030 sẽ phục vụ hoàn toàn các hoạt động vận tải du lịch, du khách quốc tế.
Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhận định trong tuyến vận tải biển quốc tế, Đà Nẵng có lợi thế hơn Hải Phòng, do vậy ông đề xuất Đà Nẵng cần chủ động đăng ký làm việc với Thủ tướng để đề xuất các thủ tục đẩy nhanh tiến độ đối với việc xây dựng cảng Liên Chiểu.