Kết thúc đợt đấu giá vào tháng 3 vừa rồi, tác phẩm của Sophia được bán với giá 688.888 USD dưới dạng NFT. Ban đầu, cộng sự của Sophia là nghệ sĩ người Ý Andrea Bonaceto có nhiệm vụ vẽ chân dung, rồi Sophia sẽ xử lý bức tranh bằng mạng nơ-ron và dựa vào đó tạo ra tranh kỹ thuật số cho riêng mình.
Tác phẩm là một đoạn video dài 12 giây có tên "Sophia Instantiation”, thể hiện quá trình biến tranh chân dung của Bonaceto thành tranh số của Sophia, được bán kèm một bức tranh thật do Sophia tự họa chính mình.
Sau cuộc đấu giá, Sophia sẽ bổ sung đường nét của người mua tác phẩm vào bức tranh gốc như một cách ghi lại dấu ấn. Do đó, chủ nhân mới của bức tranh đã gửi ảnh chụp cánh tay mình cho Sophia để cô vẽ thêm vài nét vào tác phẩm.
|
Trên tài khoản Twitter của Sophia, tác phẩm này được mô tả là sự hợp tác NFT đầu tiên giữa "AI, một thực thể cơ khí và một nhà sưu tầm nghệ thuật kiêm nghệ sĩ".
Theo AP, David Hanson - giám đốc công ty Hanson Robotics nói trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi hình dung bản thân Sophia là một tác phẩm nghệ thuật, và tác phẩm đó lại biết tạo ra nghệ thuật. Sophia là đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật. Cô ấy sáng tạo nghệ thuật để kết nối về mặt cảm xúc và thị giác với mọi người".
Sophia là robot nổi tiếng nhất của Hanson Robotics nhờ có khả năng bắt chước biểu cảm gương mặt, trò chuyện với con người và đưa ra những câu trả lời dí dỏm. Năm 2017, Sophia được cấp quốc tịch Ả Rập Xê Út, trở thành công dân robot đầu tiên trên thế giới.
Hanson khẳng định Sophia sẽ tiếp tục vẽ tranh và đang có dự định trở thành một nhạc sĩ. Cô đang tham gia dự án Sophia Pop, hợp tác với các nhạc sĩ để tạo ra giai điệu và bài hát của riêng mình.