Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt vẫn tăng mạnh sau dịch COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Cụ thể, nghiên cứu của Visa cho thấy 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Cùng với đó là sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt. Trong đó, gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỉ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn là 82%.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mua sắm trực tuyến và các lựa chọn thay thế tiền mặt sẽ được duy trì sau đại dịch. 9/10 người tiêu dùng hiện đang sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà và hầu như tất cả đều sử dụng dịch vụ này thường xuyên hơn so với giai đoạn trước đại dịch.
Do tác động của đại dịch COVID-19, có đến hơn 80% người tiêu dùng hiện nay đang sử dụng thẻ, thanh toán qua mã QR và ví điện tử ít nhất một lần một tuần.
Trong khi đó, 1/2 số người dùng Việt đã bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn, trong khi 64% và 63% người dùng đã tăng cường sử dụng thanh toán không tiếp xúc qua điện thoại di động và ví điện tử.
Đáng lưu ý, sau đại dịch, những người được khảo sát thể hiện sự quan tâm cao nhất với việc chi tiêu cho du lịch, đặc biệt là chuyến đi trong nước.
Triển vọng du lịch của người Việt Nam hiện đang gia tăng rất lớn bởi mong muốn được đoàn tụ với gia đình và gặp gỡ bạn bè sau khoảng thời gian dài xa cách và nhu cầu tái kết nối du lịch, cao hơn nhiều so với các tình huống du lịch thiết yếu và sự khát khao khám phá những điểm đến.
Trong khi đó, nghiên cứu mới của Viện kinh tế Mastercard từ 37 thị trường trên thế giới và 9 thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới được công bố cũng dự báo việc nới lỏng các hạn chế đi lại và nhu cầu du lịch gia tăng thúc đẩy du lịch bùng nổ ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2022.
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, lượng đặt vé máy bay đi du lịch nghỉ dưỡng và công tác trên toàn cầu đã vượt qua mức trước đại dịch, trong khi đó, chi tiêu cho các chuyến đi bằng du thuyền, xe buýt và tàu hỏa đã cải thiện rõ rệt trong năm nay. Ước tính sẽ có thêm 430 triệu hành khách bay đến châu Á - Thái Bình Dương so với năm ngoái.
Theo Mastercard, sau hai năm hoạt động du lịch bị đình trệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2022, việc nới lỏng hạn chế đi lại và mở cửa biên giới đã khiến cho nhu cầu du lịch cả trong và ngoài nước tăng vọt.
Một xu hướng có thể nhận thấy ở các thị trường trên toàn khu vực chính là việc người tiêu dùng sử dụng các khoản tiết kiệm dư dả để đi du lịch. Các khoản chi tiêu cho du lịch thay đổi và hướng đến các trải nghiệm hơn là những yếu tố khác.
"Bất chấp lạm phát ảnh hưởng đến tự do chi tiêu, năm 2022 sẽ là một năm quan trọng đối với ngành du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi các hạn chế biên giới được nới lỏng.
Sự trở lại nhanh chóng của hoạt động du lịch là một dấu hiệu đáng mừng khi mà châu Á - Thái Bình Dương đã sẵn sàng để bắt kịp các khu vực khác trên thế giới", ông David Mann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - châu Phi của Viện kinh tế Mastercard, nhận định.