Theo báo cáo của ILO và UNICEF thì lao động trẻ em tập trung phần lớn vào các em trai - Ảnh: TỬ VĂN
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), số lao động trẻ em trên toàn thế giới đã tăng lên 160 triệu, tăng thêm 8,4 triệu trẻ em trong vòng 4 năm qua.
Báo cáo cảnh báo rằng sẽ có thêm 9 triệu trẻ em đứng trước nguy cơ trở thành lao động trẻ em do hậu quả của dịch COVID-19 vào cuối năm 2022.
Báo cáo Lao động trẻ em: Ước tính toàn cầu 2020, xu hướng và con đường phía trước công bố nhân Ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em (12-6) cảnh báo mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em đang bị ngừng trệ lần đầu tiên trong 20 năm qua.
Giai đoạn 2000-2016, khoảng 94 triệu trẻ em không còn bị bắt buộc lao động khi chưa đủ tuổi. Nhưng mục tiêu này đang đảo chiều. Các em 5-17 tuổi phải làm nhiều công việc nguy hại tới sức khỏe, tinh thần… Con số này chạm mốc 79 triệu trẻ, tăng 6,5 triệu kể từ năm 2016.
Báo cáo nhận định con số có thể tăng thêm 46 triệu nếu trẻ em không được tiếp cận với hỗ trợ an sinh xã hội thiết yếu như bảo hiểm y tế, hỗ trợ ăn ở… Việc kinh tế chững lại, trường học đóng cửa do COVID-19 khiến nhiều trẻ em phải lao động trong thời gian dài và điều kiện làm việc tồi tệ hơn.
ILO và UNICEF cùng kêu gọi các nước đầu tư vào các hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển nông nghiệp, các dịch vụ nông thôn công, cơ sở hạ tầng...
Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nhấn mạnh: "Những số liệu ước tính mới là một lời cảnh tỉnh đối với chúng ta. Chúng ta không thể đứng yên khi một thế hệ trẻ em mới đang đứng trước rủi ro như vậy... Đây là thời điểm cần có những cam kết và hành động mới để xoay chuyển tình thế và phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và lao động trẻ em".
Trong khi đó, bà Henrietta Fore - giám đốc điều hành UNICEF - cho rằng trận chiến chống lại lao động trẻ em càng khó khăn hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Những lần phong tỏa, trường học đóng cửa, gián đoạn kinh tế, ngân sách bị thu hẹp khiến các gia đình bị buộc phải đưa ra lựa chọn để con trẻ phải lao động kiếm thêm thu nhập.
"Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và các ngân hàng phát triển quốc tế ưu tiên đầu tư vào những chương trình có thể giúp đưa trẻ em ra khỏi lực lượng lao động để quay lại trường học và đầu tư thêm vào an sinh xã hội. Giúp các gia đình tránh phải đưa ra lựa chọn này ngay từ đầu", bà Henrietta Fore khẳng định.
Theo báo cáo, có tới 112 triệu trẻ (chiếm 70% lao động trẻ em) làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, tỉ lệ lao động trẻ em ở khu vực nông thôn (14%) cao gần gấp 3 lần khu vực thành thị (5%).