Ngọc Long phản đối việc nuôi gấu lấy mật tại Việt Nam
Chiến dịch đề ra 3 hashtag cho bài đăng trên mạng xã hội gồm: #MoonBearPledge, #RaiseYourPaw và #NoBearLeftBehind.
Để tham gia, người ủng hộ truy cập vào trang web https://www.animalsasia.org/, ký tên vào biểu mẫu để "giơ móng vuốt", góp phần chấm dứt ngành công nghiệp sử dụng mật gấu, khai thác nguyên liệu từ động vật, đồng thời có thể quyên góp theo các mức quy định tùy khả năng của mình.
Sau 3 ngày ra mắt, tính đến ngày 10-12 đã có gần 40.000 "móng vuốt" được ghi nhận. Mục tiêu của Tổ chức Động vật châu Á đặt ra là đạt 250.000 lượt ký tên vào tháng 3-2022.
Minh Phượng (21 tuổi, Quảng Ngãi) cho biết: "Như khẩu hiệu Không còn người mua chẳng còn kẻ bán, mình phản đối việc sử dụng mật gấu để chữa bệnh vì hiện nay rất nhiều loại thuốc khác thay thế. Mình đã điền đơn ngay sau khi biết được thông tin này".
Ngọc Long (quận 7) nói: "Mình thấy rất tội nghiệp những động vật bị nuôi nhốt và ngược đãi. Nếu chúng biết nói thì mọi việc đã khác".
Biểu mẫu cho người tham gia - Ảnh chụp màn hình trên trang web
Chiến dịch còn có sự ủng hộ của một số người nổi tiếng như đạo diễn Dustin Nguyễn, Tăng Thanh Hà với lời kêu gọi chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật.
Trên trang cá nhân, nữ diễn viên Tăng Thanh Hà đã viết: "Nạn nuôi gấu lấy mật sẽ bị đẩy lùi vĩnh viễn - đó là một viễn cảnh mà tôi tự hào về Việt Nam, quê hương tôi. Hãy đồng hành cùng tôi giơ tay lên vì loài gấu nếu bạn không muốn chú gấu nào bị bỏ lại phía sau".
Hình ảnh Tăng Thanh Hà kêu gọi mọi người ủng hộ Animals Asia - Nguồn: FB nhân vật
Vấn nạn nuôi gấu lấy mật vẫn còn diễn ra ở rất nhiều nơi. Ở Việt Nam, số lượng cá thể gấu lên đến 1.000 con và được sử dụng như một vị thuốc đông y để chữa bệnh. Quá trình lấy mật đã ảnh hưởng nặng nề đến thể xác và tinh thần của gấu, khiến chúng chịu những cơn đau âm ỉ trong tình trạng nuôi nhốt kéo dài và điều kiện sống không đủ chất lượng.
Tiến sĩ Jill Robinson MBE, sáng lập viên kiêm tổng giám đốc điều hành Tổ chức Động vật châu Á, gửi thông điệp trên trang web của tổ chức: "Cảm ơn mọi người đã ủng hộ các hoạt động của Tổ chức Động vật châu Á. Đại dịch COVID-19 thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại phải thay đổi, và các kết quả hoạt động của tổ chức tại Việt Nam cho chúng ta thấy thay đổi nằm ngay trong tầm tay ta. Chúng ta có thể đặt dấu chấm hết những sự bạo hành động vật và tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Lòng tốt chính là lực đẩy mạnh nhất để tạo ra các thay đổi tích cực".
Chính phủ Việt Nam đã ký hợp đồng với Tổ chức Động vật châu Á để chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu ở nước ta. Sắp tới, tổ chức này chuẩn bị xây dựng trung tâm cứu hộ gấu thứ hai tại Vườn quốc gia Bạch Mã để đón những cá thể gấu ngựa được cứu tại các trang trại.