Rộn ràng làng bánh tráng trăm tuổi Thuận Hưng

1 năm trước 131
Chú thích ảnhCác lò bánh tráng ở Thuận Hưng luôn hoạt động quanh năm. Ảnh: baocantho.com.vn

Rộn ràng bánh tráng Thuận Hưng

Ở Thuận Hưng, bánh tráng được làm quanh năm nhưng mùa cao điểm nhất là vào 2 tháng cận Tết Nguyên đán khi nhu cầu của khách tăng cao. Ngày thường chỉ khoảng 50 lò đỏ lửa làm bánh nhưng vào vụ Tết, hơn 80 lò hoạt động mỗi ngày từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều - khi trời tắt nắng.

Theo lời những người lớn tuổi, bánh tráng Thuận Hưng có tiếng đã hơn 100 năm. Ban đầu chỉ có vài người làm bánh tráng sử dụng vào dịp Tết, nhưng những chiếc bánh thơm, ngon đã tạo sức hút với người thưởng thức. Dần dần nhiều người biết đến và đặt hàng, các lò bánh tráng Thuận Hưng dần được hình thành và được duy trì, phát triển đến ngày nay.

Để làm được những chiếc bánh thơm ngon, người dân chọn loại gạo khô cơm... Gạo để làm bánh tráng không được chọn gạo mới gặt hoặc để quá lâu. Nếu làm gạo mới thì bánh khi nhúng vào nước sẽ bị rã, nướng không giòn đều, gạo cũ thì bánh sẽ không giữ được vị ngon.

Sau khi chọn được gạo đạt chất lượng để làm bánh, thợ làm bánh đem gạo ngâm và xay thành bột, lọc bỏ phần nước chua, pha bột theo đúng tỉ lệ, thêm chút muối để vị bánh được đậm đà hơn, thơm nồng mùi gạo đặc trưng hoặc pha thêm gia vị nước cốt dừa, mè hay ruốc tùy theo loại bánh khách đặt hàng.

Khâu làm bánh là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Lượng bột để tạo ra một chiếc bánh được đong bằng một chiếc gáo nhỏ. Bánh được tráng lên một tấm vải (được cán trên một chiếc nồi). Công đoạn tráng bánh cũng rất công phu, lửa chỉ được để liu riu, bánh phải được tráng đều tay thì bánh mới tròn, mỏng, đều và khi lấy bánh sẽ còn bị nát. Sau tầm 20 - 25 giây là bánh đạt yêu cầu. Lấy bánh để lên vỉ đòi hỏi người thợ cũng vô cùng khéo léo, nâng niu để bánh còn nguyên vẹn.

Bánh được thợ dùng ống phơi (làm từ ống trúc được bện vải bên ngoài giúp bánh khơi tuột, rơi) làm dụng cụ lấy bánh, sắp trên vỉ đem đi phơi. Với thời tiết như hiện nay, anh Lê Văn Của, khu vực Tân Phước cho biết, bánh chỉ cần phơi khoảng 30 phút là đạt yêu cầu, sau đó gỡ bánh, nếu để bánh bị khô quá thì sẽ bể. Sau đó, các vỉ bánh được đưa vào nhà để gỡ ra, xếp vào túi cho khách.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Cảnh, khu vực Tân Phú, bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm của cha ông truyền lại con cháu nối nghiệp và phát huy. Ngoài loại bánh tráng chỉ pha với ít muối, trải qua thời gian, ở Thuận Hưng đã xuất hiện thêm một số loại bánh gắn với xứ này như bánh tráng giòn, bánh tráng dừa, bánh tráng ruốc, bánh tráng nem,...

Mỗi loại bánh có hương vị riêng như: bánh mặn làm bánh để nhiều muối,  bánh lạc (còn gọi là bánh giòn); bánh tráng nem là bánh có kích cỡ nhỏ; bánh tráng dừa là bánh cho thêm nước cốt dừa và mè;...

"Mặc dù, đã có một số loại bánh tráng được pha trộn thêm hương vị đáp ứng thị hiếu khách hàng nhưng loại bánh tráng gắn với tên tuổi bánh tráng Thuận Hưng - bánh tráng lạt (bánh tráng giòn) vẫn được ưa chuộng nhất. Đây là loại bánh được dùng để cuộn thức ăn được người dân miền Tây Nam Bộ sử dụng nhiều trong mâm cơm ngày Tết", bà Huỳnh Thị Giáo (67 tuổi), chủ lò bánh tráng ở khu vực Tân Phú cho biết.

Giữ nghề truyền thống 100 năm

"Mặc dù, thu nhập mỗi lao động trung bình chỉ từ 100.000 đến 120.000 đồng/ngày. Không ai ở Thuận Hưng làm giàu từ nghề làm bánh tráng nhưng họ vẫn giữ nghề truyền thống cha ông để lại", ông Trà Ngọc Sính, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Hưng nói.

Theo ông Sính, vào mùa Tết, những hộ sản xuất bánh tráng thủ công ngày thường làm khoảng 50 - 60kg gạo; đối với cơ sở sản xuất bằng công nghệ máy, công suất là 1.000kg gạo/ngày. Vì chi phí tăng, lượng bánh nhiều nên không chỉ bánh tráng lạt tăng giá mà các loại bánh cũng tăng giá khác nhau, dao động từ 5.000 - 15.000/kg bánh: 2kg bánh lạt (bánh giòn) có giá 80.000 đồng; bánh dừa giá 350.000 đồng/100 chiếc - 400.000 đồng/100 chiếc (tùy loại ít dừa hay nhiều dừa);... Mặc dù vậy, lượng bánh tráng mùa Tết làm ra gấp nhiều lần so với ngày thường nhưng vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng.

Tết là thời điểm "ăn nên làm ra" của người thợ bánh tráng. Nếu ngày thường, có khi ngày làm, ngày nghỉ hoặc mùa nắng làm, mùa mưa nghỉ nhưng vào mùa Tết, các hộ sản xuất bánh tráng thức dậy từ 2 giờ sáng, đỏ lửa bắt đầu ngày làm bánh tráng, nhân công làm việc luôn tay và kết thúc vào 3 giờ chiều.

Ở Thuận Hưng có những gia đình đã 3 đời làm bánh tráng. Chị Ngô Thị Bích Liên, khu vực Tân Thạnh (46 tuổi) đã có thâm niên nối nghiệp làm bánh tráng từ năm 18 tuổi và hiện giờ, con gái chị Liên cũng giúp mẹ trong thời điểm làm bánh Tết.

Hai năm nay, ngoài lò bếp trấu, chị Bích Liên còn đầu tư thêm lò điện để nâng công suất tráng bánh mới đáp ứng đủ số lượng bánh khách đặt thời điểm Tết.

Vì nâng công suất nên vào dịp làm bánh Tết, mỗi ngày lò bánh tráng của chị Bích Liên sử dụng 120kg gạo để tráng bánh và phải thuê 4 - 5 nhân công làm bánh mới làm kịp đơn hàng.

Còn lò bánh của bà Hà Thị Sáu, khu vực Tân Phú mỗi ngày ra lò cũng hơn 10.000 chiếc bánh các loại như: bánh lạt, bánh dừa. Cụ Đỗ Thị Đượm (88 tuổi, mẹ bà Hà) cười móm mém kể, thời của bà chỉ làm mỗi loại bánh tráng (chỉ có bột pha muối). Ngày nay, con gái bà Đượm làm bánh quanh năm, với đủ các loại, đầu tư thêm máy móc để tráng bánh. Bánh bỏ mối bạn hàng khắp nơi.

Mỗi công đoạn làm bánh cũng đòi hỏi nhiều nhân công: người tráng bánh, người lấy bánh sắp trên vỉ, người phơi bánh... vì thế mùa bánh tráng Tết cũng tạo được thu nhập cho người lao động địa phương. Tráng bánh thuê được hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Bé Tư, khu vực Tân Phú cho biết, tháng Tết nhiều mối lấy bánh, tráng "hút hàng" nên phải làm suốt ngày, đến 28 Tết mới nghỉ. Nhờ vậy mà cũng có tiền mua sắm Tết cho gia đình.

Cứ như thế, chiếc bánh tráng Thuận Hưng vẫn tồn tại và duy trì cho đến nay. Để rồi mỗi dịp Tết, khắp các ngõ nhỏ, nếp nhà ở Thuận Hưng lại "rợp trời" bánh tráng. Bánh tráng Thuận Hưng với bề dày truyền thống 100 năm nên hiện nay bánh không chỉ tiêu thụ ở Cần Thơ mà còn được khách hàng ở An Giang, Đồng Tháp, thậm chí khách ở Campuchia cũng đặt hàng bánh tráng Thuận Hưng.

Nguồn bài viết