Bạn Phan Thị Kim Ngân lần đầu đi hiến máu - Ảnh: K.ANH
Tại chương trình phát động ủng hộ nguồn lực phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở TP.HCM và vận động mọi người tham gia hiến máu, ông Trần Trường Sơn, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, cho biết lượng máu tại ngân hàng máu của TP đã đến mức báo động đỏ, rất cần mọi người tham gia hiến máu trong mùa dịch này.
Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 người, phần lớn là các bạn trẻ, đến hiến máu tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, mong góp phần cứu chữa những bệnh nhân đang cần truyền máu. Và những dòng trạng thái kêu gọi bè bạn cùng nhau tham gia hiến máu của nhiều bạn trẻ đã được chuyển tải trên trang cá nhân, trong các nhóm bạn cùng sở thích.
Vừa tình nguyện chống dịch, vừa tham gia hiến máu
Sống tại Q.Gò Vấp, Trần Thị Quỳnh Anh (sinh viên năm nhất Học viện Cán bộ TP.HCM) cùng với người bạn cùng trường là Nguyễn Kiên Cường đã đến trung tâm hiến máu ngay ngày đầu tiên quận nhà thôi giãn cách theo chỉ thị 16.
Quỳnh Anh chia sẻ: "Mấy hôm trước mình tham gia đội hình trực chốt tại quận để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Theo dõi thông tin, mình biết tình hình ngân hàng máu của TP đang thiếu hụt lượng máu để cung cấp cho các bệnh viện cứu chữa bệnh nhân. Nên ngay sau khi quận được chuyển qua thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15 là mình đi hiến máu ngay, mong chia sẻ giọt máu của mình đến người nào đó đang cần".
Những ngày qua, Cường cũng tham gia trong đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Tham gia các hoạt động tình nguyện từ khi còn là học sinh THPT như chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ, nên ngay sau khi thi tuyển sinh đại học, Cường đã lên Trung tâm Hiến máu TP hiến máu.
"Đây là lần thứ tư mình hiến máu. Cứ thực hiện theo quy định thời gian giữa hai lần cho máu là mình lại đến hiến. Lần dịch bệnh này thấy rõ sự khan hiếm máu, mình càng thấy giọt máu của mình có ý nghĩa hơn nên đi ngay không chờ gì nữa" - Cường cho hay.
Lan tỏa cho cộng đồng
Lần đầu đi hiến máu, cô bạn Phan Thị Kim Ngân (điều dưỡng tại một phòng khám nhi) tâm niệm mong giọt máu của mình giúp được những bệnh nhân đang cần. Vì lẽ làm trong ngành y tế, Ngân hiểu sự cần thiết của máu để cứu chữa người bệnh như thế nào, máu không thể sản xuất như các dược phẩm khác mà chỉ có con người chúng ta chia sẻ cho nhau.
Cùng đi với Ngân là cô bạn làm chung và cũng lần đầu tiên hiến máu, Đào Thị Ngọc Tú nói: "Khi hay tin lượng máu đang khan hiếm, vì tình hình dịch bệnh khiến cho công tác tiếp nhận máu gặp khó khăn nên mình đến đây để hiến máu cứu người chứ cũng không có nghĩ gì hơn".
Còn cô bạn Thanh Hằng đã chia sẻ trên nhóm mạng xã hội của mình rằng bạn đã cố gắng... tăng cân đủ số ký quy định để được đi hiến máu.
"Mình thật sự muốn hiến máu mà cân nặng không đủ, trong khi đó ngân hàng máu lại khan hiếm nên bà con ai đủ sức khỏe thì hãy chia sẻ ngay nhé". Dòng trạng thái của Hằng đã "rủ rê" được thêm mấy bạn tham gia hiến máu trong đợt dịch này.
Khi đến Trung tâm Hiến máu hay Bệnh viện Truyền máu huyết học TP, người hiến máu đều được khai báo y tế, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang cùng với việc thực hiện giãn cách, dưới 10 người có mặt trong phòng tiếp nhận máu.
Mỗi người đều được phát số hẹn giờ, hoặc có bạn chủ động gọi điện trước để hẹn giờ đến hiến máu, không mất thời gian chờ đợi. Nhờ vậy công tác tiếp nhận máu không bị ùn ứ hay tập trung đông người, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
UBND TP vừa phát đi văn bản khẩn gửi các sở, ban ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức về việc tăng cường vận động hiến máu nhân đạo trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Ông Sơn cho biết mọi người có thể đăng ký hiến máu tại hai điểm cố định là Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP, 106 Thiên Phước, Q.Tân Bình (ĐT đăng ký 02838685507) và Bệnh viện Truyền máu huyết học, 118 Hồng Bàng, P.12, Q.5 (ĐT đăng ký 02839557858).
Mới đây, Đoàn khối Dân Chính Đảng TP.HCM đã phối hợp với công đoàn, Hội Cựu chiến binh khối tổ chức chương trình "Hiến máu an toàn, chung tay đẩy lùi COVID-19".
Hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã tham gia trao đi giọt máu yêu thương với thông điệp "Máu có thể chờ người bệnh, nhưng người bệnh không thể chờ máu".