Rà soát đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam, kiểm toán kiến nghị giảm hơn 16.300 tỉ

2 năm trước 421
Rà soát đầu tư cho cao tốc Bắc - Nam, kiểm toán kiến nghị giảm hơn 16.300 tỉ - Ảnh 1.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát lại sơ bộ tổng vốn đầu tư cao tốc Bắc - Nam - Ảnh: Đ.T.

Suất vốn đầu tư đắt hơn dự án tương tự

Theo tờ trình vừa được Chính phủ gửi Quốc hội, với quy mô đầu tư 4 làn xe, tổng chiều dài 12 dự án 729km, sơ bộ tổng vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam là 146.990 tỉ đồng.

Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị của 12 dự án là 95.837 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) 19.097 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 12.015 tỉ đồng, chi phí dự phòng 20.041 tỉ đồng.

Suất vốn đầu tư bình quân 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam không bao gồm chi phí GPMB là 175,4 tỉ đồng/km.

Kiểm toán Nhà nước đánh giá số liệu sơ bộ tổng vốn đầu tư trong tờ trình của Chính phủ chưa có thông tin thuyết minh việc đã tính toán, rà soát kỹ về sơ bộ tổng vốn đầu tư của từng dự án thành phần như theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hơn nữa, số liệu sơ bộ tổng vốn đầu tư cũng chưa có thông tin thuyết minh làm rõ một số yếu tố làm ảnh hưởng đến tổng vốn đầu tư dự án.

Theo đó, chi phí quản lý, tư vấn, chi phí khác trong sơ bộ tổng vốn đầu tư theo tờ trình của Chính phủ là 12,5% tổng chi phí xây lắp + thiết bị. So với các dự án đầu tư công cùng quy mô 4 làn xe như dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) thì phần chi phí quản lý, tư vấn, chi phí khác chỉ khoảng 7% tổng chi phí xây lắp + thiết bị.

Nếu giảm chi phí này từ 12,5% xuống 7% thì vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ giảm khoảng 2.476 tỉ đồng.

Chi phí dự phòng 12 dự án được nêu trong tờ trình của Chính phủ theo Kiểm toán Nhà nước là không phù hợp.

Về suất vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, Kiểm toán Nhà nước cho biết qua xem xét suất đầu tư các dự án đầu tư đường cao tốc giai đoạn 2017-2020 thì suất vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam cao hơn khá nhiều.

Chẳng hạn dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đầu tư công) là dự án tương tự về loại, cấp, quy mô công trình có tổng vốn đầu tư (bao gồm cả GPMB) là 10.854 tỉ đồng, chiều dài tuyến 101km, suất vốn đầu tư tương đương 107,5 tỉ đồng/km.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (đầu tư PPP) có tổng vốn đầu tư (bao gồm cả GPMB) là 9.620,2 tỉ đồng, chiều dài 78,5km, suất vốn đầu tư tương đương 122,6 tỉ đồng/km.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng vốn đầu tư (bao gồm cả GPMB) là 12.577 tỉ đồng, chiều dài 100km, suất vốn đầu tư tương đương 125,77 tỉ đồng/km.

Dựa trên chỉ số giá xây dựng bình quân các năm 2018, 2019, 2020, Kiểm toán Nhà nước xác định lại số liệu sơ bộ tổng vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam là 130.605 tỉ đồng, giảm 16.330 tỉ đồng so với tờ trình của Chính phủ.

Theo Kiểm toán Nhà nước, chi phí xây dựng và thiết bị 12 dự án cao tốc Bắc - Nam là 89.111 tỉ đồng, chi phí GPMB 19.097 tỉ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 6.036 tỉ đồng, chi phí dự phòng 16.361 tỉ đồng.

Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng vốn đầu tư của các dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng vốn đầu tư, tham khảo số liệu tổng vốn đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và đảm bảo có đủ vốn triển khai hoàn thành toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025.

Băn khoăn về cân đối vốn cho dự án

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, dự án dự kiến nguồn vốn bố trí làm cao tốc Bắc - Nam khoảng 47.169 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỉ đồng cho các dự án, và Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung thông tin khả năng cân đối nguồn vốn này, những yếu tố ảnh hưởng có thể từ việc cân đối nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc điều hòa sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn và bổ sung thông tin cụ thể về quy mô, nội dung và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công của chương trình để làm cơ sở cho đề xuất.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc đề xuất phương án triển khai toàn bộ 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công cần phải đáp ứng được nguồn vốn theo kế hoạch phân kỳ đầu tư và tiến độ thực hiện dự án.

Chính vì vậy, việc triển khai đồng bộ 12 dự án trong giai đoạn 2021-2025 cần đánh giá kỹ khả năng cân đối nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, nợ công và nhất là cơ sở pháp lý việc tổ chức thu phí.

Rót vốn đầu tư công 146.990 tỉ đồng làm cao tốc Bắc - Nam để 2025 về đích là ‘có cơ sở’Rót vốn đầu tư công 146.990 tỉ đồng làm cao tốc Bắc - Nam để 2025 về đích là ‘có cơ sở’

TTO - Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng Chính phủ đề xuất đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công để 'đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông' là có cơ sở.

Nguồn bài viết