Người dân cầm "phiếu mua hàng thiết yếu" khi đi mua tại các chợ, cửa hàng - Ảnh: N.TRÍ
Theo văn bản này, nhằm kiểm soát, điều phối số lượng người đến chợ và phục vụ việc truy xuất thông tin, Sở Công thương đã hướng dẫn thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân thông qua việc áp dụng "Thẻ ra vào chợ".
Tuy nhiên, các quận, huyện chưa triển khai đồng bộ, chưa có cơ chế kiểm tra việc triển khai và chưa đảm bảo khống chế lượng khách ra vào phù hợp.
Do đó, Sở Công thương đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát lại quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực tại các khu vực; chủ động làm việc với các hệ thống phân phối như siêu thị, cửa hàng... để đánh giá khả năng, số lượng hàng hóa cung ứng. Bên cạnh đó, có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn thuận lợi, thuận tiện đi lại, mua sắm.
Phân chia tần suất đến các điểm bán thông qua việc phát "Phiếu mua hàng thiết yếu" cách 2-3 ngày/lần. Riêng khu phong tỏa 2 lần/tuần.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra việc phối hợp giữa UBND phường, xã với các điểm bán khi thực hiện phân chia khung thời gian, số lượng người đến các điểm bán nhằm kiểm soát khung thời gian, số lượng người, đảm bảo khống chế lượng khách ra - vào điểm bán phù hợp với số lượng hàng hóa cung ứng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, thiếu hàng hóa cục bộ.
Trong trường hợp cần thiết cần mở rộng khu vực người dân mua hàng trên cơ sở đảm bảo tính hợp lý về mật độ dân cư, số lượng và năng lực cung ứng của điểm bán, có sự linh động trong lựa chọn các điểm bán tại khu vực cư trú để tạo thuận tiện cho người dân.
Tổ chức lực lượng ứng trực, hình thành số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin và giải quyết kịp thời các phản ảnh, kiến nghị; kiểm tra, giám sát giá cả, hàng hóa. Các đơn vị nghiên cứu thực hiện tích hợp mã QR trên "Phiếu mua hàng thiết yếu" để phục vụ khai báo y tế đối với khách hàng.
Mẫu phiếu mua hàng được Sở Công thương TP.HCM gửi đính kèm theo văn bản - Ảnh: N.TRÍ
Đối với ban giám đốc các siêu thị, cửa hàng tiện lợi..., Sở Công thương đề nghị cung cấp thông tin đầy đủ về khả năng cung ứng, năng lực phục vụ hằng ngày cho chính quyền địa phương để phối hợp và có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân trên địa bàn phù hợp, thuận tiện.
Trường hợp điểm bán vẫn còn dư thừa năng lực cung ứng, khả năng phục vụ tại địa phương, có thể nghiên cứu, đề xuất cách thức tổ chức phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại khu vực phường hoặc quận lân cận.
Đối với các chợ trên địa bàn cần tuân thủ nghiêm chỉ đạo của UBND TP về tổ chức chợ hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát người ra vào điểm bán; tuân thủ 5K....
"Phiếu đi mua hàng thiết yếu" đã được nhiều địa phương, đơn vị kinh doanh áp dụng từ vài ngày qua, các điểm bán yêu cầu người dân đi mua hàng phải mang theo phiếu và phải đúng tại phường cư trú.
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều chồng chéo, có số địa bàn nhiều người nhưng ít hàng, và ngược lại có nơi nhiều hàng nhưng ít người khiến nhiều người dân gặp khó trong việc tiếp cận thực phẩm.
Bên cạnh đó, dù đã có phiếu của chính quyền phát nhưng nhiều người dân không mua sắm được tại một số điểm siêu thị do tại đây quy định phải có thêm phiếu được phát bởi siêu thị vào khung giờ cố định.