Rau củ Đà Lạt thông đường về lại Sài Gòn, giá mềm hẳn

3 năm trước 617
Rau củ Đà Lạt thông đường về lại Sài Gòn, giá mềm hẳn - Ảnh 1.

Gian hàng rau củ Đà Lạt với các mặt hàng khoai tây, bắp cải tím, cải thảo, bơ... được chuẩn bị để bán giảm giá cho người tiêu dùng TP.HCM chiều tối 17-7 - Ảnh: K.L.

Đại diện AEON Việt Nam cho biết bắt đầu từ chiều 17-7, hơn 20 mặt hàng rau củ Đà Lạt đã tập kết về các kho hàng, điểm bán của hệ thống này, sẵn sàng cho chương trình giảm giá cực sốc đến khi hết hàng. 

Để tạo điểm bán thông thoáng và dễ dàng mua hơn cho khách, gian hàng rau củ Đà Lạt sẽ được dựng trước bãi xe của siêu thị AEON Bình Tân (Q.Bình Tân) và được bán giá tốt như cà rốt còn 26.000 đồng/kg, cà chua túi lưới 27.000 đồng/kg, bắp cải tím 25.000 đồng/kg, khoai tây vàng Đà Lạt 27.000 đồng/kg...

Những ngày qua, trong khi các điểm bán ở TP.HCM phải rơi vào tình cảnh không đủ hàng để bán, giá tăng vọt thì tại các nhà vườn ở tỉnh, thành lân cận, nông dân phải "ôm" hàng vì không tiêu thụ được. Việc nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra, rớt giá tạo nên một nghịch lý của chuỗi cung ứng giữa các tỉnh với TP.HCM do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Tại nhiều điểm bán, khách xếp hàng nhưng vẫn khó mua được rau tươi, rau gia vị và thịt, cá. Để trấn an khách, nhiều siêu thị cho biết kệ trống không có nghĩa hàng hóa bị thiếu, mà do không đủ nhân sự châm hàng trước sức mua dồn dập. 

Theo bà Huỳnh Thị Kim Thanh - giám đốc siêu thị AEON Tân Phú, từ ngày 15-7 đến nay, mỗi ngày siêu thị này nhập vào trung bình 20 tấn rau củ, thịt, cá, gấp 2 lần sức mua của người dân trong ngày mua sắm cao điểm nhất vào 14-7 vừa qua. 

"Các mặt hàng tươi sống đều được bổ sung mỗi ngày nên khách hàng có thể an tâm và không cần mua tích trữ số lượng lớn", bà Thanh cho biết.

Tuy vậy, người tiêu dùng TP.HCM vẫn đang phải đối mặt với tình trạng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là hàng rau củ, quả, thịt gia súc, gia cầm ở chợ lẻ. 

Theo ghi nhận, trong ba ngày cuối tuần, lượng khách đến mua sắm ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm có giảm nhiệt nhưng tình trạng khách mua gom vẫn còn. Trước áp lực lượng khách đổ về, nhiều điểm bán tạm ngưng nhận khách vào mua sắm, mà khuyến khích khách mua hàng theo hình thức phát phiếu hoặc đặt đơn hàng online. 

Sở Công thương TP.HCM vừa yêu cầu các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee… tăng sản lượng, ưu tiên hiển thị, triển khai thêm các chương trình ưu đãi về vận chuyển cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm, giúp người dân dễ tiếp cận kênh mua sắm này. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện sàn Shopee Việt Nam cho biết đã bắt đầu triển khai "Đi chợ trên Shopee", mà trước mắt là các mặt hàng từ Shopee Farm. Các đơn hàng sẽ được áp dụng giao hàng hỏa tốc trong vòng 1-2 giờ. 

Các sàn Tiki, Lazada... cũng đã triển khai mạnh bán thực phẩm tươi sống, rau củ và được người dùng dần quen với hình thức mua sắm này. 

Để đảm bảo nguồn cung cho TP.HCM trong những ngày tới, khi các tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách toàn xã hội, Sở Công thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp thương mại điện tử triển khai phương án chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa, ưu tiên tìm kiếm nguồn cung từ các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên và khu vực phía Bắc để đưa lên kênh online. 

Đà Lạt, Lâm Đồng xem cung ứng rau cho vùng dịch là nhiệm vụĐà Lạt, Lâm Đồng xem cung ứng rau cho vùng dịch là nhiệm vụ

TTO - Trong kế hoạch và phương án cung ứng rau cho TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, tỉnh Lâm Đồng xem việc hỗ trợ các tỉnh thành chống dịch là nhiệm vụ và kêu gọi đơn vị sản xuất, người dân 'tiếp viện' thêm.

Nguồn bài viết