Quảng Ninh lên phương án tái thiết rừng bị thiệt hại sau bão số 3

1 tháng trước 38
Chú thích ảnhTrước cửa động Thiên Cung, rất nhiều cây có hiện tượng chết khô do báo số 3 làm gãy đổ. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Với thời tiết nắng khô như hiện nay, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng và có thể gây ra thảm họa về môi trường.

Theo thống kê, Quảng Ninh có khoảng trên 117.000 ha rừng bị thiệt do bão số 3, trong đó mức thiệt hại từ 30 - 100%, chủ yếu là rừng trồng với các loài cây thông, keo, bạch đàn; diện tích rừng bị gãy ngang thân, cành, 100% lá bị tuốt rụng, không có khả năng phục hồi.

Từ ngày 28/9 đến nay, ở tỉnh đã xảy ra 9 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là hơn 57 ha. Các địa phương đã huy động hơn 1.300 lượt người gồm Kiểm lâm, Công an, Quân đội, lực lượng tại chỗ của phường trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.

Hiện các địa phương đã đồng loạt ra quân thực hiện đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3. Phó Chủ tịch UBND Nghiêm Xuân Cường chỉ đạo, các địa phương và đơn vị cần lập kế hoạch chi tiết, khẩn trương thiết kế các đường băng cản lửa để chống cháy lan; chủ động huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ". Địa phương nào lực lượng mỏng, diện tích xử lý nhiều phải khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, báo cáo tỉnh, UBND tỉnh sẽ tăng cường lực lượng chi viện.

Quảng Ninh đang triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống cháy rừng như tăng cường tuần tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn triển khai phương án, hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy rừng; thường trực 24/24 giờ, chủ động ứng phó xử lý các tình huống cháy rừng. Cùng với đó, tỉnh cũng chuẩn bị phương án tái thiết lại rừng. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh Vũ Duy Văn cho biết: Ngành nông nghiệp đã đề xuất với UBND tỉnh phương án tái thiết, phát triển lâm nghiệp. Tỉnh sẽ không trồng những cây rừng lớn nhanh mà tập trung vào cây gỗ lâu năm, cây gỗ bản địa. Các địa phương lên phương án thực hiện kế hoạch trồng lại rừng bị thiệt hại, đảm bảo chậm nhất đến năm 2027 phải đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng như trước khi xảy ra bão số 3.

Để đảm bảo cuộc sống người trồng rừng và "lấy ngắn nuôi dài", các địa phương sớm định hướng cho chủ rừng lựa chọn loại cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, chu kỳ ngắn làm động lực, kết hợp trồng lại rừng bằng cây bản địa, cây gỗ lớn.

Ngày 10/7/2024, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó  tỉnh hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống và công chăm sóc (cao hơn 5 triệu đồng/ha so với quy định chung của cả nước); hỗ trợ 400.000 đồng/ha chi phí lập phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng. Nhà nước cấp ngân sách với mức tối đa 20 triệu đồng/ha để đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân trồng rừng gỗ lớn.

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ vay vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với thành viên thuộc tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân: Mức cho vay theo phương án trồng rừng gỗ lớn và sản xuất dưới tán rừng được phê duyệt nhưng không quá 30 triệu đồng/ha. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định theo từng thời kỳ; thời hạn cho vay tối đa không quá 25 năm. Trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc…

Nguồn bài viết