Quảng Ninh khó giải ngân hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão số 3

1 tuần trước 9
Chú thích ảnhNgư dân Quảng Yên dần khôi phục hoạt động nuôi trồng thủy hải sản sau bão số 3. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Ngay sau bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 1.180 tỷ đồng; trong đó 180 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách và 1.000 tỷ đồng từ nguồn cơ cấu lại nhiệm vụ chi, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết để hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 180 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho các địa phương; đã phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ sau bão và thực hiện chính sách an sinh xã hội với tổng kinh phí 141,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ học phí 72,1 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội 38,5 tỷ đồng; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ khó khăn 30,7 tỷ đồng; kinh phí sửa chữa các công trình khẩn cấp hơn 17 tỷ đồng.

Như vậy, trong tổng số 1.180 tỷ đồng mà tỉnh Quảng Ninh bố trí để khắc phục bão số 3 đến nay các địa phương mới giải ngân được 141,3 tỷ đồng, chiếm gần 12%. Còn hơn 1.000 tỷ đồng chưa thể giải ngân được.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Ánh cho rằng, chính sách thì rất hay nhưng việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Việc không giải ngân hết được nguồn hỗ trợ này trong năm 2024, tỉnh sẽ báo cáo với Chính phủ cho phép chuyển nguồn sang năm 2025 để tiếp tục hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, mức hỗ trợ lâm nghiệp bị thiệt hại bởi thiên tai hiện nay theo quy định của nhà nước rất thấp chỉ khoảng từ 2 - 4 triệu đồng/ha, tùy thuộc vào loại rừng. Quảng Ninh không thể tự đặt ra chính sách hỗ trợ riêng đối với đối tượng này vì làm như vậy là trái với quy định của Nhà nước. Thêm vào đó, một số hộ trồng rừng chưa được giao rừng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... nên không được hỗ trợ theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tương tự, đối với nghề nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề, gần như “trắng băng” sau bão số 3, nhưng hiện tại theo quy định của pháp luật, Quảng Ninh chỉ có thể thực hiện áp dụng theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, quá trình hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, Hội đồng thẩm định cấp huyện, cấp xã rà soát, đối chiếu hồ sơ gặp khó khăn vì nhiều hộ không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ. Bởi lẽ, các hộ dân nuôi trồng thủy sản không thực hiện kê khai sản xuất ban đầu, một số hộ dân chưa được giao, cho thuê đất, mặt nước theo quy định.

Việc hỗ trợ trục vớt phương tiện tàu cá bị đắm chìm bằng ngân sách thì nhiều phương tiện đã mua bảo hiểm nên không đủ điều kiện hỗ trợ bằng ngân sách. Riêng đối với tàu du lịch thì không thể hỗ trợ từ nguồn ngân sách, bởi đa số các chủ tàu du lịch đều đã mua bảo hiểm.

Hay việc hỗ trợ nhà ở bị sập, đổ nhà chỉ áp dụng đối với các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong khi đó, việc hỗ trợ nhà ở phụ thuộc vào việc xác nhận của chính quyền địa phương về tiêu chí, điều kiện còn nhiều khó khăn.

Thực tế, tỉnh Quảng Ninh muốn mở rộng đối tượng hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi bão số 3 bằng nguồn ngân sách, nhất là các hộ nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, song không thể thực hiện được vì trái với quy định của nhà nước. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu dọn, tạo điều kiện tối đa sớm giao diện tích mặt nước nuôi trồng cho bà con để người dân sớm khôi phục nghề nuôi trở lại.

Chú thích ảnhNgười dân huyện Cô Tô dọn dẹp sau bão. Ảnh tư liệu: Đức Hiếu/TTXVN

Hiện Quảng Ninh vẫn đang nỗ lực tìm mọi biện pháp hỗ trợ cho người dân chịu thiệt hại của cơn bão số 3. Nhiều địa phương thực hiện xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho người dân. Điển hình như huyện Vân Đồn, theo số liệu thống kê của UBND huyện, trên địa bàn huyện có 11 nhà dân bị sập hoàn toàn, 55 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi rà soát theo quy định và hướng dẫn của các sở, ngành, trên địa bàn huyện chỉ có 5/55 nhà bị tốc mái hoàn toàn đủ điều kiện và đã được hỗ trợ từ nguồn ngân sách. Số nhà bị tốc mái còn lại và 11 nhà sập không đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết 42/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

Chia sẻ trước những tổn thất của người dân, UBND huyện Vân Đồn huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp hỗ trợ 11 hộ có nhà bị sập hoàn toàn số tiền 50 triệu đồng/nhà, bằng 50% chính sách của tỉnh. Đồng thời huy động doanh nghiệp hỗ trợ trên 4.000 m2 tôn cho 50 nhà bị tốc mái hoàn toàn.

Bí thư Huyện ủy Vân Đồn Trương Mạnh Hùng cho biết, bão số 3 gây thiệt hại gần 4.000 tỷ đồng trên địa bàn huyện, trong đó riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 2.300 tỷ đồng. Ngoài việc thực các chính sách theo Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Vân Đồn đẩy nhanh việc tạm giao mặt nước cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản để sớm khôi phục lại diện tích nuôi trồng trước bão. Chỉ tính đến cuối tháng 10, toàn huyện đã tạm giao được hơn 7.700 ha mặt nước cho các hộ dân và hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, gấp 2 lần so với diện tích nuôi trồng trước bão, Bí thư Huyện ủy Trương Mạnh Hùng thông tin.

Bão số 3 đã gây thiệt hại về kinh tế của tỉnh là 28.034 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nhà ở, nhà xưởng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại là 5.819 tỷ đồng, chiếm 21% tổng thiệt hại; lĩnh vực nông nghiệp 13.889 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng thiệt hại (lâm nghiệp 6.573 tỷ đồng, thủy sản 5.825 tỷ đồng, trồng trọt - chăn nuôi - thủy lợi 1.490 tỷ đồng); văn hóa du lich 3.137 tỷ đồng, chiếm 11,2%; giao thông 340 tỷ đồng chiếm 1,2% và hạ tầng điện 656 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng thiệt hại.

Ngay sau bão, tỉnh Quảng Ninh đã huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang và toàn dân tham gia tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra. Tỉnh đã chủ động rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

HĐND tỉnh đã ban hành liên tiếp hai Nghị quyết số 42 và Nghị quyết 43/NQ-HĐND ngày 23/9/2024, theo đó tỉnh hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên năm học 2024 - 2025; hỗ trợ hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, hư hỏng nặng; hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện tàu cá của tỉnh bị chìm đắm; hỗ trợ nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh.

Các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai các giải pháp giảm lãi suất cho vay, cơ cấu, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, chưa thực hiện thu lãi tiền vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão.

Vượt qua nhiều khó khăn, một số ngành nghề của Quảng Ninh đến nay cơ bản đã khôi phục lại hoạt động như ngành du lịch, dịch vụ (hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu lượt khách; trong đó có trên 3 triệu lượt khách quốc tế), nuôi trồng thủy sản từng bước được khôi phục để kịp có sản phẩm phục vụ nhân dân trong dịp Tết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ dân gặp khó cần sự hỗ trợ từ nhà nước để sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Nguồn bài viết