Quản lý nền tảng mạng xã hội - Bài 1: Giải pháp nào cho cuộc 'so găng' tại Australia

3 năm trước 311
Chú thích ảnhFacebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức quốc tế ở Australia. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Sự việc này được dư luận đặc biệt quan tâm trong bối cảnh nhiều quốc gia thời gian qua đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm "quản lý" chặt các công ty công nghệ lớn và các nền tảng mạng xã hội, mà theo đánh giá của giới chuyên gia, là "đang có khả năng thao túng nằm ngoài tầm kiểm soát”. Facebook và Google cũng đã có những phản ứng khác nhau trước động thái này của Australia.

Bài 1: Giải pháp nào cho cuộc 'so găng' tại Australia

Chính phủ liên bang Australia đang rút tất cả các chiến dịch quảng cáo trên Facebook trong khi Bộ trưởng Tài chính Simon Birmingham thông báo lệnh cấm sử dụng Facebook sẽ được mở rộng tới tất cả các cơ quan của chính phủ nước này. Động thái trên được đánh giá là một trong những biện pháp cứng rắn tiếp theo của Chính phủ Australia nhằm "đáp trả" việc Facebook tiếp tục chặn người dân quốc gia lớn nhất châu Đại dương truy cập tin tức nội địa trên nền tảng truyền thông xã hội này.
Ngày 17/2 vừa qua, Facebook đã có một động thái gây chấn động giới truyền thông và chính giới ở Australia khi ra quyết định hạn chế đọc và chia sẻ tin tức trên mạng xã hội này nhằm phản ứng lại nỗ lực của Chính phủ Australia buộc các công ty công nghệ trả phí cho việc sử dụng nội dung của các tổ chức báo chí nội địa.

Quyết định của "gã khổng lồ" công nghệ Mỹ đã khiến các tổ chức báo chí của Australia không thể đăng tin tức lên trang Facebook của mình, trong khi hơn 17 triệu người dùng trên khắp "xứ sở Chuột túi” không thể đọc hay chia sẻ các trang tin này trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. Trang Facebook của nhiều tổ chức xã hội, dịch vụ công và cơ quan chính quyền Australia cũng bị ảnh hưởng. Cũng như nhiều nơi khác, tại Australia, lướt Facebook là một cách phổ biến để tìm tin tức và truy cập nội dung tin tức, đặc biệt là đối với giới trẻ. Theo một báo cáo của Digital News trong năm 2020, 49% người được hỏi sử dụng Facebook như một “nguồn tin tức” về đại dịch và nền tảng truyền thông xã hội vẫn là cách phổ biến nhất để người Australia truy cập tin tức trực tuyến (37%). 

Người phát ngôn của Facebook cho biết quyết định trên được đưa ra nhằm phản đối dự thảo Bộ quy tắc thương lượng truyền thông được Hạ viện Australia thông qua ngày 17/2, trước khi được Thượng viện xem xét và ban hành thành luật trong tháng này. 

Facebook cho rằng Bộ quy tắc đã cơ bản hiểu sai mối quan hệ giữa trang mạng xã hội và các tổ chức báo chí chủ động sử dụng mạng xã hội để chia sẻ nội dung tin tức. Theo Facebook, mối quan hệ này đem lại giá trị lớn cho các tổ chức báo chí, truyền thông và việc buộc công ty phải trả tiền trong mối quan hệ này là “không công bằng”.

Phản ứng với hành động của Facebook, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, coi đây là hành động “ngạo mạn” và “đáng thất vọng” nhằm gây áp lực khi các nghị sỹ Australia bỏ phiếu về Bộ quy tắc. Ông nhấn mạnh Australia sẽ không bị đe dọa bởi sự “o ép” của "đại gia" công nghệ truyền thông này. Nhà lãnh đạo Austrlia còn cho rằng việc Facebook thể hiện quyền lực của mình chỉ càng khiến nhiều quốc gia khác thêm lo ngại về việc các hãng công nghệ lớn đang có sức ảnh hưởng lớn hơn cả chính phủ và các quy tắc không thể áp dụng đối với các hãng này.

Sau một thời gian dài thúc giục các công ty công nghệ thỏa thuận về việc trả tiền cho các nội dung tin tức của các tổ chức báo chí nội địa trên cơ sở tự nguyện mà không đạt kết quả, từ giữa năm ngoái, Chính phủ Australia đã thúc đẩy ban hành Bộ quy tắc thương lượng truyền thông. Mục đích của bộ quy tắc này là tạo ra một khuôn khổ cho việc đàm phán bình đẳng giữa các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu, vốn được coi là có sức mạnh thị trường lớn hơn hẳn so với các hãng tin tức nội địa, thông qua đó buộc các công ty đó, trước hết Google và Facebook, trả tiền cho nội dung tin tức của các tổ chức báo chí nội địa xuất hiện trên các nền tảng công nghệ. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh hoạt động báo chí ở Australia ngày càng gặp nhiều khó khăn do bị mất các nguồn thu quảng cáo vào tay các công ty công nghệ. 

Các quy định được Chính phủ Australia đề xuất là chưa có tiền lệ trên thế giới, yêu cầu Google và Facebook phải ký thỏa thuận thương mại về việc trả tiền cho nội dung tin tức với các tổ chức báo chí Australia trong một thời hạn nhất định, nếu không sẽ phải đối mặt với quy trình phân xử trọng tài có quyền ra quyết định cuối cùng và mức tiền phạt lên tới 10% doanh thu. Thực tế là trong 2 thập niên qua, nhiều hãng tin toàn cầu luôn phàn nàn rằng các nền tảng công nghệ "đang lợi dụng họ để làm giàu", bán quảng cáo gắn với các bản tin của họ mà không chia sẻ doanh thu. Theo Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg, Google chiếm 53% doanh thu quảng cáo trực tuyến của Australia còn Facebook chiếm 23%. 

Sau một quá trình tham vấn kéo dài với các bên liên quan, Chính phủ Australia đã có một số điều chỉnh đối với Bộ quy tắc trước khi trình lên quốc hội, nhưng vẫn giữ nguyên các điều khoản chính, bất chấp những lời đe dọa hạn chế dịch vụ của cả Google và Facebook.

Trong một loạt các cuộc thảo luận với Google và Facebook vào đầu tháng Hai, Chính phủ Australia đã “bật đèn xanh” cho hai hãng này ký kết các thỏa thuận thương mại với các tổ chức báo chí nội địa bên ngoài khuôn khổ Bộ quy tắc thương lượng truyền thông, thông qua việc tham gia các sản phẩm tin tức là Google New Showcase và Facebook News.

Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg khẳng định, nếu đạt được các thỏa thuận này, Australia sẽ bỏ qua việc yêu cầu các "gã khổng lồ" công nghệ phải trả tiền cho những tin bài được tìm kiếm trên Google Search hoặc Facebook Newsfeed theo quy định của Bộ quy tắc.

Đi theo hướng trên, trong những ngày qua, Google đã nhanh chóng ký kết các thỏa thuận mang lại hàng chục triệu USD cho các tập đoàn truyền thông lớn của Australia như Seven West Media và Nine Entertainment cũng như tập đoàn truyền thông toàn cầu News Corp của ông trùm truyền thông người Australia Rupert Murdoch. Mới đây nhất, ngày 20/2, tờ Guardian Australia đã đạt thỏa thuận tham gia News Showcase với Google, nâng tổng số các thỏa thuận với các tổ chức báo chí Australia vượt qua con số 50 với tổng trị giá hơn 100 triệu AUD (80 triệu USD). Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc chủ động đàm phán và ký kết các thỏa thuận giúp Google tránh được rủi ro “không dự báo được” khi phải áp dụng Bộ quy tắc. Một quan chức có trách nhiệm của Google còn cho hay, các tổ chức báo chí đã đồng ý tham gia sản phẩm News Showcase và đây có thể là một giải pháp khả thi, đáp ứng các mục tiêu của Bộ quy tắc.

Trong khi đó, về phía Facebook, theo truyền thông Australia, cho đến những ngày cuối tuần trước khi Hạ viện Australia thông qua Bộ quy tắc, Facebook vẫn đang tham gia các cuộc đàm phán để ký kết các thỏa thuận với các hãng tin tức lớn của Australia. Vì vậy, hành động đơn phương của Facebook hạn chế nội dung tin tức của báo chí Australia được cho là khá bất ngờ. 

Trước phản ứng của Australia sau sự việc trên, quan chức có trách nhiệm của Facebook đã đưa ra lời xin lỗi vì "vô tình ngăn chặn nội dung của nhiều trang tin phục vụ cộng đồng" với lý do định nghĩa về tin tức đưa ra trong Bộ quy tắc là quá rộng và mơ hồ và cam kết sớm khôi phục lại các trang này. Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg và các quan chức cao cấp của công ty cũng đã phải “quay lại bàn đàm phán” với Chính phủ Australia. 

Tờ Sydney Morning Herald tiết lộ, trong các cuộc đàm phán giữa hai bên, Facebook đã nêu ra ba mối quan ngại về Bộ quy tắc, bao gồm một điều khoản cấm phân biệt đối xử giữa các tổ chức báo chí khác nhau có yêu cầu trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức, cơ chế trọng tài “phán xử cuối cùng” và nghĩa vụ tham gia các cuộc đàm phán thương mại. Facebook còn bày tỏ lo ngại rằng các quy định này có thể tạo ra một tiền lệ toàn cầu.

Về phần mình, Chính phủ Australia một mặt lên tiếng hoan nghênh các cuộc trao đổi mang tính xây dựng với ông Mark Zuckerberg, mặt khác tiếp tục khẳng định cam kết thúc đẩy ban hành Bộ quy tắc, cảnh báo có thể kiện công ty ra tòa với cáo buộc có hành vi ngăn chặn thông tin phục vụ lợi ích cộng đồng và rút các quảng cáo có giá trị trên mạng xã hội này.

Trong khi đó, Mỹ ngày 18/2 đã kêu gọi Chính phủ Australia hủy bỏ dự luật trên. Trợ lý đại diện thương mại Mỹ về dịch vụ và đầu tư Daniel Bahar và Trợ lý đại diện thương mại Mỹ phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương Karl Ehlers đã kêu gọi Australia nghiên cứu thêm về thị trường công nghệ số và phát triển các quy tắc tự nguyện. Theo hai quan chức này, Mỹ lo ngại những nỗ lực cạnh tranh vị thế giữa các công ty công nghệ được luật pháp Australia thông qua, có thể gây thiệt hại cho 2 tập đoàn của Mỹ, dẫn đến những kết quả tiêu cực. 

Theo tiết lộ mới nhất của truyền thông Australia, một ngày sau khi có quyết định hạn chế tin tức, Facebook đã cố gắng nối lại các cuộc thương lượng về các thỏa thuận thương mại với các tổ chức báo chí lớn như Nine Entertainment và News Corp.

Dự kiến, Thượng viện Australia bắt đầu thảo luận về Bộ quy tắc vào ngày 22/2. Có một khả năng được giới chuyên gia đề cập đến là Chính phủ Australia sẽ đưa ra các sửa đổi mới để giải quyết các quan ngại của Facebook và mạng xã hội này sẽ hủy bỏ quyết định hạn chế tin tức. Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên vẫn tỏ ra kiên quyết giữ vững lập trường của mình. Nếu không được phê chuẩn trong tuần này, việc ban hành Bộ quy tắc có thể sẽ phải chờ đến giữa năm.

Bài cuối: Khi các "đại gia" công nghệ trong tầm ngắm

Nguồn bài viết