Các tay súng thuộc Quân đội giải phóng quốc gia Karen, một nhóm vũ trang phản đối đảo chính, đốt chốt kiểm soát của quân đội Myanmar trên biên giới Myanmar - Thái Lan - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, tình hình Myanmar vẫn đang nóng vì chiến sự ở biên giới và các cuộc biểu tình chống quân đội diễn ra trên khắp Myanmar trong ngày 15-5.
Trong tuần qua, quân đội Myanmar đã phát động các chiến dịch trấn áp các nhóm vũ trang chống chính quyền quân sự đang kiểm soát đất nước. Nổi bật nhất trong số này là tình hình giao tranh tại thị trấn Mindat cách biên giới Myanmar - Ấn Độ khoảng 100km.
"Chúng tôi đang chạy bán sống bán chết. Có khoảng 20.000 người đang bị mắc kẹt ở Mindat, phần lớn là người già và con nít", một người may mắn chạy thoát ra ngoài nói với Reuters.
Chính quyền quân sự Myanmar đã áp đặt thiết quân luật tại Mindat hôm 13-5 và đẩy mạnh chiến dịch truy quét các tay súng thuộc Lực lượng phòng vệ Chinland. Đây là một trong những nhóm vũ trang thiểu số tuyên bố chống lại cuộc đảo chính của quân đội hôm 1-2.
Theo Reuters, được sự tăng viện của pháo binh và không quân, bộ binh Myanmar đã đánh mạnh vào các vị trí của Lực lượng phòng vệ Chinland trong ngày 15-5. Truyền thông nhà nước Myanmar nhấn mạnh đây là chiến dịch "truy quét những kẻ khủng bố có vũ trang".
Người phát ngôn chính quyền quân sự, ông Zaw Min Tun, cho biết đã có 68 người bị giết "trong các đợt tấn công khủng bố" và kêu gọi người dân không hợp tác với các nhóm này.
Myanmar rơi vào bất ổn sau cuộc đảo chính ngày 1-2. Một loạt các lãnh đạo dân sự Myanmar như Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã bị bắt giữ và đối mặt với các tội danh tham nhũng. Người dân Myanmar đã phản đối hành động của quân đội và xuống đường biểu tình dẫn tới các vụ bắt giữ.
Trước việc hàng trăm người biểu tình thiệt mạng, một số nhóm vũ trang của người dân tộc thiểu số đã tuyên bố đứng về người dân và chống lại chính quyền quân sự. Điều này khiến giới quan sát lo lắng nội chiến có thể bùng nổ tại Myanmar bất cứ lúc nào.