Quân đội Israel ứng dụng trí tuệ nhân tạo xác định 37.000 mục tiêu Hamas

7 tháng trước 63
Chú thích ảnhNgười Palestine tìm người mất tích và nạn nhân dưới đống đổ nát của một ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn al-Maghazi, phía Nam Gaza. Ảnh: EPA

Dẫn các nguồn tin tình báo liên quan đến cuộc xung đột, trang The Guardian (Anh) cho biết chiến dịch ném bom của quân đội Israel ở Gaza đã sử dụng cơ sở dữ liệu do trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chưa từng được tiết lộ trước đây. Hệ thống này đã xác định được 37.000 mục tiêu tiềm năng dựa trên mối liên hệ rõ ràng của họ với Hamas.

Ngoài tiết lộ hệ thống AI mang tên Lavender, các nguồn tin tình báo còn khẳng định rằng giới chức quân sự Israel đã cho phép nhắm mục tiêu vào thường dân Palestine, đặc biệt là trong những tuần và tháng đầu của cuộc xung đột.

“Trong trí nhớ của tôi, hệ thống này không gì sánh kịp. Cỗ máy này làm việc rất lạnh lùng. Và điều đó khiến mọi chuyện dễ dàng hơn”, một sĩ quan tình báo giấu tên từng sử dụng Lavender kể lại.

Một binh sĩ khác cũng từng sử dụng Lavender đặt câu hỏi về vai trò của con người trong quá trình lựa chọn mục tiêu.

“Tôi sẽ dành 20 giây cho mỗi mục tiêu ở giai đoạn này và hàng chục mục tiêu mỗi ngày... Hệ thống này giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian”, binh sĩ này nói.

Sáu sĩ quan tình báo giấu tên - tất cả đều từng sử dụng hệ thống AI để xác định các mục tiêu của phong trào Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) trong cuộc chiến ở Gaza - đều đồng tình rằng hệ thống Lavender đã đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến. Hệ thống này xử lý khối lượng lớn dữ liệu giúp nhanh chóng xác định các binh sĩ cấp dưới tiềm năng để nhắm mục tiêu.

Bốn trong số các nguồn tin cho biết trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Lavender đã liệt kê tới 37.000 người đàn ông Palestine có liên kết với Hamas hoặc PIJ.

Chú thích ảnhCảnh đổ nát sau cuộc không kích tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 28/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Lavender là hệ thống AI do đơn vị tình báo tinh nhuệ của Lực lượng Phòng vệ Israel - Đơn vị 8200 - phát triển.

Hai nguồn tin cho biết trong những tuần đầu của cuộc chiến, họ được phép nhắm mục tiêu 15 hoặc 20 thường dân trong các cuộc không kích nhằm vào các chiến binh cấp thấp.

Các nguồn tin hé lộ các cuộc tấn công vào các mục tiêu này thường được thực hiện bằng cách sử dụng loại bom không dẫn đường được gọi là “bom câm”, phá hủy toàn bộ ngôi nhà và giết chết tất cả những người sinh sống trong đó.

Theo các chuyên gia về xung đột, điều đó có thể giúp giải thích số người chết cao đến kinh ngạc trong cuộc chiến.

Cơ quan y tế tại Gaza do Hamas điều hành cho biết ít nhất 32.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột trong kéo dài 6 tháng qua. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy chỉ trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, 1.340 gia đình đã chịu nhiều tổn thất, trong đó 312 gia đình mất hơn 10 thành viên.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết các hoạt động của họ được thực hiện phù hợp với các quy tắc cân xứng theo luật pháp quốc tế. Họ cũng nói rằng bom câm là “vũ khí tiêu chuẩn” được các phi công IDF sử dụng theo cách đảm bảo mức độ chính xác cao.

IDF mô tả Lavender là cơ sở dữ liệu được sử dụng để tham khảo chéo các nguồn thông tin tình báo, nhằm tạo ra các lớp thông tin cập nhật về hoạt động quân sự của các tổ chức khủng bố. Đây không phải là danh sách các đặc nhiệm đã được xác nhận đủ điều kiện để tấn công.

“IDF không sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để xác định các thành viên khủng bố hoặc để dự đoán liệu một người có phải là khủng bố hay không. Các hệ thống thông tin chỉ đơn thuần là công cụ dành cho các nhà phân tích trong quá trình xác định mục tiêu”, IDF tuyên bố.

Chú thích ảnhMột tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel tại Rafah, Dải Gaza, ngày 24/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

IDF đã phụ thuộc rất nhiều vào Lavender để tạo cơ sở dữ liệu về các cá nhân được đánh giá là có đặc điểm của một tay súng Hamas hoặc PIJ.

Thông tin chi tiết về các loại dữ liệu cụ thể được sử dụng để huấn luyện thuật toán của Lavender hoặc cách chương trình đưa ra kết luận không được hé lộ. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến, Đơn vị tình báo 8200 đã tinh chỉnh thuật toán của Lavender và điều chỉnh các tham số tìm kiếm của hệ thống này.

Cụ thể, sau khi lấy mẫu ngẫu nhiên và kiểm tra chéo các dự đoán của Lavender, đơn vị này kết luận rằng hệ thống đã đạt được tỷ lệ chính xác 90%. IDF sau đó đã chấp thuận việc sử dụng rộng rãi hệ thống làm công cụ đề xuất mục tiêu.

Lavender đã tạo ra một kho cơ sở dữ liệu gồm hàng chục nghìn cá nhân được coi là thành viên cấp thấp trong cánh quân sự của Hamas. Điều này được sử dụng cùng với hệ thống hỗ trợ quyết định dựa trên AI khác - Gospel, đề xuất các tòa nhà và công trình là mục tiêu thay vì cá nhân.

Trước xung đột, Mỹ và Israel ước tính số lượng thành viên của nhóm quân sự Hamas vào khoảng 25.000 - 30.000 người.

Trong những tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel hôm 7/10/2023, các nguồn tin cho biết đã có quyết định coi những người đàn ông Palestine có liên hệ với cánh quân sự của Hamas là mục tiêu tiềm năng, bất kể cấp bậc hay tầm quan trọng của họ.

Nguồn bài viết