Phải rồi, việc gì phải tủi thân khi ta có nụ cười thiên thần của đứa con thơ?

3 năm trước 766
Phải rồi, việc gì phải tủi thân khi ta có nụ cười thiên thần của đứa con thơ? - Ảnh 1.

Hoa đào (tự làm) và bánh "Galette des Rois", bánh ăn truyền thống sau Tết dương lịch đến 15-1 ở Pháp - Ảnh: QUYÊN GAVOYE

Đối với những người con xa nhà, Tết là dịp trở về đoàn tụ cùng gia đình. Đôi khi vì rất nhiều lý do, chúng tôi không thể trở về. Tết năm 2014, Tết năm Giáp Ngọ là một cái Tết mà tôi không thể trở về.

Chuyện bắt đầu từ Noël năm 2013, hơn một tháng trước Tết Giáp Ngọ, theo thông lệ chúng tôi về nhà bố mẹ chồng ăn Tết. 

Đêm Noël ở Pháp là đêm lễ hội quan trọng nhất trong năm, giống như đêm cơm giao thừa trong văn hóa của người Việt. Mọi thành viên trong gia đình dù gần hay xa đều trở về quây quần bên mâm cơm cùng ông bà cha mẹ. 

Gia đình tôi đặc biệt hơn. Ở đây, tôi là dân nhập cư, không có bố mẹ đẻ ở gần nên năm nào chúng tôi cũng được ăn Tết cùng bố mẹ chồng. 

Noël 2013 là một ngoại lệ, chúng tôi đang đợi đứa con nhỏ chào đời. Việc đi lại đường xa sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi. Mẹ chồng lại đang bị ốm nằm viện. Vậy là chúng tôi không thể về và bố mẹ cũng không thể đến nhà ăn Tết cùng chúng tôi.

16 giờ chiều Noël, dù không tổ chức rình rang, nhưng tôi vẫn muốn làm mâm cơm giao thừa ấm cúng cùng gia đình bé của mình. Mọi thứ đã sẵn sàng, chúng tôi ngồi xem phim và chờ Noël. 

Ấy là tôi nghĩ thế, nhưng đứa con trong bụng của tôi lại quyết định khác. Nó muốn ra ngoài cùng đón Noël với chúng tôi. Khi bàn tiệc vừa được bày biện xong, những cơn đau cũng trở lên dồn dập, chúng tôi vội vã vào viện.

23h đêm, nữ y tá bê vào phòng cho chồng tôi một khay thức ăn với những món ăn truyền thống trong dịp lễ tết của dân Pháp. Ngó qua khay thức ăn, tôi phì cười. Chưa có năm nào bữa ăn giao thừa của chồng tôi lại đặc biệt đến thế. 

Trong những chiếc đĩa nhỏ là lát gan ngỗng, thịt vịt nướng, khoai tây chiên và miếng phó mát cùng lát bánh mì. Chừng ấy thứ chen chúc trong chiếc khay bé vừa đủ đặt lên hai đầu gối của anh. 

Nhìn anh ăn, cảm giác thân thương được cùng nhau trải qua giây phút đặc biệt của đêm giao thừa trong một khung cảnh đặc biệt của phòng đẻ khiến tôi quên luôn cảm giác đau đớn.

23h45. Con gái của chúng tôi cất tiếng khóc chào đời trong những tiếng chúc mừng của đội ngũ y bác sĩ. Dây rốn vừa cắt cũng là lúc chuông nhà thờ gióng lên mừng lễ. Và dù chúng tôi không nâng cốc chúc mừng như mọi năm, hạnh phúc vẫn thiêng liêng. Con gái chính là món quà mà ông già Noël đem đến cho chúng tôi.

Một tháng sau, khi sức khỏe của tôi hồi phục, bà nội của con gái khỏi ốm, chúng tôi quyết định tổ chức ăn Tết và ăn Noël muộn, hôm đó là vào ngày cuối cùng của tháng một năm 2014.

Nếu như mọi năm, tôi sẽ đi chợ mua lá dong để gói bánh. Tôi sẽ đến hàng thịt lợn đặt một chiếc thủ lợn về gói giò mỡ, sẽ mua những trái dừa non về làm mứt, và sẽ nấu cho cả nhà những bát miến hầm măng thật ngon. 

Nhưng năm đó, việc chăm sóc em bé chiếm hết quỹ thời gian của tôi. Mẹ chồng của tôi lại không biết làm những món ăn truyền thống của người Việt Nam. Sau vài ngày suy nghĩ, tôi quyết định mua đồ ăn sẵn ở chợ châu Á.

Chiều 28 tôi đi chợ, mọi thứ đã được bán hết. Hoa đào, bánh chưng và mứt Tết, tất cả đều hết. Tủi thân, nước mắt tôi chực trào ra. Tôi chợt nhớ đến lời bà ngoại. Ngày xưa mỗi lần thấy tôi tủi thân, ngoại lại bảo: "Con gái mà khóc thì xấu lắm. Đừng khóc! Nếu gặp khó khăn, hãy thở thật sâu rồi đứng lên giải quyết khó khăn, không được đầu hàng khi chưa thử giải pháp khác".

Phải rồi, tại sao tôi lại tủi thân? Tôi đang sở hữu một niềm hạnh phúc vô bờ, nụ cười thiên thần của đứa con thơ. Cành đào ư? Có khó gì! Chỉ cần chặt một cành cây trong vườn và cắt những bông hoa từ giấy hồng rồi đính vào đó. Bánh chưng ư? Không có bánh chưng tôi sẽ mua bánh tét thay thế. Và mứt Tết thì lại càng đơn giản. 

Tôi có thể cùng với mẹ chồng làm mứt từ khoai tây trồng trong vườn nhà, món Tết ngày xưa mẹ vẫn làm khi gia đình chúng tôi còn nghèo khó.

Và năm đó, mâm cơm Tết của nhà tôi thật khác lạ so với mọi năm. Giữa những món ăn truyền thống Noël của dân Pháp là những món ăn truyền thống của Tết cổ truyền Việt Nam. Gan ngỗng, vịt nhồi hạt dẻ nướng, bánh tét, miến nấu măng, rượu vang và bia Hà Nội… đặt bên cạnh cành đào cắt tỉa từ hoa giấy. 

Ông bà nội, ngoại của con gái tôi quây quần bên bàn ăn, bật màn hình điện thoại nói chuyện với nhau. Và dù họ không nói được tiếng của nhau, bữa cơm giao thừa năm đó vẫn giòn vang những tiếng cười của chúng tôi và của thiên thần bé nhỏ. Không một bức tường nào ngăn cách được gia đình đoàn tụ.

Đó là mâm Tết đặc biệt nhất trong cuộc đời của tôi. Sau này mỗi khi nhớ lại, tôi gọi nó bằng một cái tên thân thương, mâm Tết "2 in 1".

banner tet_1120x450

Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".

Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ [email protected] từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).

Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.

 Mâm Tết nhà tuy xa mà gầnĂn Tết xa quê: Mâm Tết nhà tuy xa mà gần

Khi cái Tết đã cận kề, có những người con nôn nao chuẩn bị hành trang trở về nhà, nhưng có những người con ôm nỗi niềm riêng cách xa gia đình ngàn cây số.

Nguồn bài viết