Phú Yên sớm xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Nam Bình 1

3 năm trước 260
Chú thích ảnhNước gỉ thải từ bãi rác đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Dân khốn khổ vì rác thải

Theo phản ánh của người dân địa phương, phóng viên TTXVN đã có mặt tại bãi rác khu phố Nam Bình 1 (phường Hòa Xuân Tây). Vị trí làm bãi tập kết rác ở gần sát núi, phía trên, rác thải sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nước rỉ từ bãi rác theo nước mưa chảy xuống một con mương nhỏ, chảy ra đồng ruộng của người dân…Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây, người dân đã tự lập chốt ở đường lên bãi để ngăn xe đổ rác. Bà Trần Thị Liên ( người dân khu phố Nam Bình 1) bức xúc nói, nước thải từ bãi rác Nam Bình 1 chảy ra đồng ruộng bốc mùi hôi thối rồi ngấm xuống đất gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đi làm tại những khu vực có nước thải tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh tật cho người dân. Chính quyền đã nhiều lần hứa sẽ di dời bãi rác này đi nơi khác nhưng chưa thực hiện.

Chị Trần Thị Thúy, người dân khu phố Nam Bình 1 bày tỏ, người dân quá bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây. Vào mùa nắng, ruồi nhặng và mùi hôi thối; mùa mưa, nước thải màu đen chảy dọc theo các con mương xuống đồng ruộng, nơi chăn nuôi bò. Người dân kiến nghị chính quyền địa phương và những cơ quan chức năng sớm di chuyển bãi rác này đi nơi khác. Cuộc sống của người dân đã quá khổ vì rác thải từ nhiều năm nay.

Theo Phòng Quản lý đô thị thị xã Đông Hòa, bãi rác tại khu phố Nam Bình 1 được đưa vào hoạt động từ năm 2015, rộng khoảng 3 ha; phạm vi thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn địa bàn thị xã. Theo thiết kế, công suất vận hành của bãi rác này khoảng 12,4 tấn rác/ngày đêm. Rác được thu gom và chôn lấp. Hiện nay, khối lượng rác thu gom trên địa bàn 6 xã, phường về bãi rác này khoảng 60 tấn/ngày đêm. Trong thời gian tới, dự kiến thu gom cả 10 xã, phường của thị xã Đông Hòa, khối lượng rác khoảng 80-85 tấn/ngày đêm. Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh nhiều đang khiến cho bãi rác ở khu phố Nam Bình 1 quá tải và gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 01/11/2021, Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hòa đã tổ chức đối thoại với nhân dân khu phố Nam Bình 1 với khoảng 80 người dân tham gia. Tại buổi đối thoại, 20 lượt ý kiến của người dân đề nghị chấm dứt việc tập kết rác thải sinh hoạt Nam Bình 1 do bãi rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Sớm đầu tư xây dựng bãi rác mới

Sau phản ánh của người dân, từ ngày 2/11, Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hòa đã yêu cầu tạm dừng tập kết rác về bãi rác Nam Bình 1, đồng thời triển khai khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực bãi rác bằng nhiều biện pháp như nạo vét rãnh thoát nước mưa, thu nước gỉ thải từ bãi rác để xử lý. Khu vực bãi rác được xây dựng tường bao dài 200m, cao 2m để ngăn rác theo nước mưa chảy ra ngoài. Mùi hôi và côn trùng từ bãi rác được xử lý bằng hóa chất 2 lần/ngày…

Mặc dù kế hoạch hoạt động của bãi rác tại khu phố Nam Bình 1 đến năm 2029 mới đóng cửa. Tuy nhiên do lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày phát sinh nhiều, địa phương đã có kế hoạch dừng tập kết rác tại đây và đang triển khai xây dựng bãi rác mới.

Chú thích ảnhCông suất vận hành của bãi rác này khoảng 12,4 tấn rác/ngày đêm nhưng hiện nay khối lượng rác là 60 tấn/ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hòa cho biết, dự án bãi rác mới của thị xã Đông Hòa có quy mô khoảng 9,8 hecta, được đầu tư mới tại thôn Phú Khê 1, xã Hòa Xuân Đông và khu phố Bàn Nham Nam, phường Hòa Xuân Tây. Dự án này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 10/2019. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 59 tỉ đồng và chia thành nhiều giai đoạn.

Việc triển khai dự án xây dựng bãi rác mới tại thị xã Đông Hòa đang gặp phải một số khó khăn như: thiếu nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng chậm. Mặt khác, do diễn biến của dịch COVID-19 nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Ủy ban nhân dân thị xã Đông Hòa đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm triển khai thi công dự án và phấn đấu hoàn thành bãi rác mới vào cuối năm 2022. Bên cạnh đó, tiếp tục xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng các phương pháp hiện đại thay thế cho việc chôn lấp như hiện nay.

Nguồn bài viết