Phó thủ tướng: Ưu tiên bố trí vốn hiện đại hóa đường sắt

2 năm trước 207
 Ưu tiên bố trí vốn hiện đại hóa đường sắt - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh cần đổi mới tư duy hiện đại hóa ngành đường sắt - Ảnh: VGP

Thông tin về ngành, chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết với hơn 21.300 lao động, ngành gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Do đó, ngành đẩy mạnh vận tải hàng hóa bù đắp cho phần doanh thu vận tải hành khách sụt giảm, tăng tỉ trọng vận tải hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc, quá cảnh đi châu Âu, Nga, các nước Trung Á; đưa đoàn tàu container liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu.

Theo đó, doanh thu vận tải đạt 2.600 tỉ đồng, bằng 85% cùng kỳ 2020, doanh thu hợp nhất là 6.290 tỉ đồng. Thu nhập bình quân người lao động là 7,2 triệu đồng/người/tháng, riêng khối vận tải đạt 5,6 triệu đồng/người/tháng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá tổ chức vận tải vẫn tiếp cận theo hướng cũ thì không phát triển được, nên mô hình vận tải hàng hóa cần xem lại. Do đó, cần có kế hoạch, xây dựng các phương án về vận tải hành khách. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đề nghị cần xác định mục tiêu vận tải hàng hóa là chính, chuyển đổi chiến lược trong ngắn hạn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng cần đổi mới tư duy, tập trung vào vận tải hàng hóa. Sắp tới đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi vào hoạt động, xe chạy cả 100km/giờ, trong khi đường sắt vẫn mấy chục km/giờ, lại qua nhiều đường ngang, khu dân cư thì không thể cạnh tranh được.

Chia sẻ với những khó khăn của ngành, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa được đầu tư tương xứng, thu nhập bình quân của người lao động còn thấp.

"Để hiện đại hóa ngành đường sắt thì đòi hỏi rất lớn về nguồn vốn bởi cần đầu tư đồng bộ cả hệ thống, không thể đầu tư hiện đại hóa từng phần", Phó thủ tướng nói và khẳng định Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hóa ngành đường sắt.

Ông yêu cầu lãnh đạo ngành cần đổi mới tư duy, có cách làm mới để "dứt khoát phải hiện đại hóa" trên cơ sở mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách. Trước hết, cần xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19, linh hoạt chuyển đổi, phát huy tối đa lợi thế về vận tải hàng hóa.

Về dài hạn, ông Thành yêu cầu tập trung hơn nữa cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó chú ý bảo dưỡng và đầu tư mới, đầu tư đến đâu dứt điểm đến đó, trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội là chủ yếu.

Theo đó, ông lưu ý Bộ Giao thông vận tải rà soát, ưu tiên bố trí vốn cho ngành đường sắt bởi lâu nay ngành vẫn đang nhận được ít đầu tư so với các ngành giao thông khác như hàng không, đường bộ.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo tinh thần tại văn bản số 636/TTg-CN, tuyệt đối không để lặp lại những vướng mắc như trong vài năm qua, đảm bảo an toàn khai thác trên toàn hệ thống.

Đối với các đề xuất cụ thể của Tổng công ty Đường sắt, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành tổng hợp, xử lý trên tinh thần tạo điều kiện tối đa để từng bước hiện đại hóa ngành đường sắt.

Thủ tướng Thủ tướng 'gút' đặt hàng Tổng công ty Đường sắt bảo trì đường sắt quốc gia

TTO - Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng quốc gia với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam năm 2021.

Nguồn bài viết